3 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó các sản phẩm gỗ đạt 2,86 tỷ USD, tăng 54,1%.
Bất chấp những gián đoạn của chuỗi cung ứng và diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, ngành sản xuất gỗ và đồ gỗ của Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn đơn hàng, khiến ngành này đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 43,3% so với tháng 3/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 61,5% so với tháng 3/2020.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều tăng mạnh trong quý 1/2021. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng trưởng vượt mức tăng chung của toàn ngành gỗ với mức tăng vượt gần 15%.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác nhận, tín hiệu thị trường tốt lên, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã đầy đơn hàng xuất khẩu cho đến cuối năm 2021.
Năm 2020, trong khi nhiều ngành hàng bị sụt giảm xuất khẩu hàng tỷ USD do ảnh hưởng của covid-19 thì ngành gỗ ghi nhận mức tăng ngoạn mục, với giá trị đạt trên 12,6 tỷ USD, nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Sản phẩm gỗ và lâm sản giữ vững uy tín, mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU 27 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2020 đạt 6,94 triệu tấn, trị giá 18,73 tỷ Eur (tương đương 22,1 tỷ USD), tăng 0,2% về lượng và giảm 0,8% về trị giá so với năm 2019.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho EU 27, nhưng lượng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2020 chỉ chiếm 1,9% tổng lượng nhập khẩu của EU 27 từ tất cả các thị trường. So với nhu cầu nhập khẩu thì lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp, vì vậy vẫn còn nhiều cơ hội để ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ đẩy mạnh xuất khẩu vào EU 27.
EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang được kỳ vọng để ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu vào thị trường EU 27 trong thời gian tới.
Báo Đầu Tư