Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Pháp Luật Hung thủ ký tên ở hiện trường

Hung thủ ký tên ở hiện trường

bởi Doanh Nhân Giao Thương

MỸ – Cái chết của Amanda Plasse, 20 tuổi, mãi không có lời giải cho tới khi cảnh sát phát hiện chữ ký hung thủ để lại tại hiện trường.

Ngày 26/8/2011, thi thể của Plasse được bạn trai phát hiện với nhiều vết dao trên sàn phòng bếp của căn hộ tầng ba tại thành phố Chicopee, bang Massachusetts.

Plasse, làm nghề bồi bàn, bị đâm 16 nhát vào sườn và ngực, cổ bị cứa. Thủ đoạn gây án bạo lực hơn mức cần thiết khiến cảnh sát cho rằng động cơ có thể là mâu thuẫn tình cảm. Củng cố thêm cho nhận định này là việc hiện trường không có dấu vết bị cậy phá cửa, dấu hiệu cho thấy hung thủ có thể được mở cửa cho vào.

Amanda Plasse. Ảnh: The Republican.

Tại hiện trường, máu bám ở khắp nơi như trên sàn, tủ bát đũa, chạn bếp. Trên cánh cửa sổ bị đập vỡ từ phía trong có in hằn dấu vân lòng bàn tay. Trên sàn là dấu giày cũng dính máu được xác định là giày nam giới cỡ 7,5. Vì dấu giày đã khô, cảnh sát nhận định thời điểm xảy ra vụ án mạng là trong khoảng 16h10 tới 17h ngày 26/8/2011.

Seth Green, 26 tuổi, bạn trai mới hẹn hò với Plasse được một tuần, nói trước đó cùng ngày gọi cho bạn gái để báo không thể qua đón cô đi làm. Tới giờ Plasse thường đi làm về, Green qua nhà thì phát hiện thi thể. Cái chết của Plasse dường như đã khiến Green bị chấn động tâm lý rất lớn vì lúc tới hiện trường cảnh sát thấy anh ngồi thu mình trên bậu cửa.

Vì là bạn trai, Green lập tức trở thành người đầu tiên bị cảnh sát điều tra. Nhưng cũng rất mau chóng, Green được loại khỏi diện tình nghi vì vượt qua bài kiểm tra nói dối và không đi giày cùng cỡ với dấu giày dính máu. Dấu vân lòng bàn tay của Green cũng không trùng khớp.

Tiếp theo, cảnh sát tập trung vào chứng cứ tìm được từ cơ thể của Plasse. Vì Plasse chống trả quyết liệt trước khi chết, dưới móng tay nạn nhân có lượng lớn ADN của hung thủ. Tuy nhiên, mẫu ADN này không cho ra kết quả khi được đối chiếu với cơ sở dữ liệu tội phạm.

Sự chú ý của cảnh sát lần lượt chuyển hướng lên một bạn trai cũ của Plasse và người phụ nữ đã tới đón nạn nhân đi làm vào ngày hôm ấy. Nhưng cả hai hướng đều đi vào ngõ cụt.

Khi vụ án chạm mốc một năm chưa có lời giải, cuộc điều tra vẫn không có tiến triển dù cảnh sát đã bỏ ra nhiều công sức.

Mẹ của Plasse từ chối bỏ cuộc. Bà tài trợ những cuộc đua xe và dán tờ rơi khắp nơi với hy vọng một người nào đó sẽ ra mặt cùng với manh mối mấu chốt giúp bà đòi lại công lý cho con gái.

Tuy bước đột phá không xuất hiện như mẹ nạn nhân mong muốn, nỗ lực của bà vẫn tạo động lực để cảnh sát điều tra lại từ đầu. Khi ấy, 16 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm vụ án mạng được phát hiện.

Điều tra viên miệt mài rà soát từng chứng cứ và ảnh chụp các phòng trong căn hộ của Plasse. Tới phòng ngủ, họ mới để ý thấy một chi tiết chưa từng được phát hiện trước đó: Dòng chữ “Dennis đã ở đây ngày 8/11/2011” được viết bằng bút dạ đỏ trên tấm bảng trắng trong phòng ngủ.

Cái tên Dennis chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc điều tra ban đầu. Cảnh sát lục tìm trong danh bạ của Plasse cũng như hỏi bạn bè và gia đình về việc liệu nạn nhân có quen ai tên Dennis hay không nhưng không có kết quả.

Sau khi tra cứu những người nam giới mang tên Dennis sống gần nhà Plasse, cảnh sát có danh tính của hai người thỏa mãn tiêu chí. Họ tiếp tục đối chiếu số điện thoại của hai người này với lịch sử cuộc gọi của nạn nhân. Kết quả đối chiếu cho ra một người trùng khớp: Dennis Rosa-Roman, 22 tuổi, có vài tiền án đột nhập tư gia và sống cách nhà Plasse chỉ ba tòa nhà.

Làm việc với cảnh sát, Rosa-Roman thừa nhận có quen biết Plasse sau vài lần bán cần sa cho nạn nhân, nhưng chưa bao giờ đặt chân vào nơi ở. Rosa-Roman đồng ý cho thu thập mẫu ADN qua nước bọt và cũng tiết lộ cỡ giày mình đi là 7,5, trùng với cỡ giày dính máu ở hiện trường. Giữa cuộc phỏng vấn, anh ta xin tạm ngừng nhưng đồng ý quay lại vào lần sau.

Lần phỏng vấn thứ hai, khi được cho xem ảnh chụp tấm bảng có dòng chữ đỏ, Rosa-Roman thừa nhận là người viết. Điều này trái với lời khai của Rosa-Roman rằng chưa bao giờ đặt chân vào phòng Plasse.

Khi ADN dưới móng tay của Plasse cho kết quả trùng khớp với Rosa-Roman, câu chuyện của nghi phạm lại thay đổi. Lúc này, Rosa-Roman khẳng định Plasse nợ tiền ma túy nên bị cấp trên của Rosa-Roman trong đường dây tìm đến đòi nợ. Rosa-Roman đã cố bảo vệ Plasse khỏi bàn tay của “sếp” nhưng không thành. Tuy nhiên, Rosa-Roman nói không dám khai ra hung thủ vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình.

Dennis Rosa-Roman. Ảnh: Massachusetts Live.

Tháng 11/2013, Dennis Rosa-Roman bị bắt giữ về tội Giết người nhưng luôn phủ nhận cáo trạng.

Công tố viên cáo buộc ngày hôm ấy, Rosa-Roman đến gặp nạn nhân để cướp tiền và cần sa trong nhà. Khi bị chống cự, hắn xuống tay giết người.

Phản bác, luật sư bào chữa lập luận rằng thân chủ chỉ là người chứng kiến vụ án mạng và cố gắng xoáy sâu vào sự chậm trễ của cảnh sát trong cuộc điều tra.

Tháng 7/2016, sau 8 ngày xét xử và 5 giờ nghị án, bồi thẩm đoàn tuyên Dennis Rosa-Roman có tội Giết người. Hắn bị phạt tù chung thân không ân xá.

Nguồn: Quốc Đạt – VnExpress – Theo Massachusetts Live, Boston Globe

You may also like