Giá cả nguyên vật liệu thô đang nhảy vọt và kéo theo đó chi phí đầu vào tại các công ty từ xây dựng đến sản xuất quần áo cũng leo thang. Dựa trên lịch sử trước đây, giá nguyên liệu tăng vọt thường báo điềm tốt lành về lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Theo ông Jonathan Golub, Trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán Mỹ của Tập đoàn Credit Suisse Group, giá cả nguyên vật liệu gia tăng thường báo hiệu trước về biên lợi nhuận cao hơn.
Chi phí đầu vào cao hơn thường đi kèm với tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Điều này cho phép các doanh nghiệp nâng giá sản phẩm, hàng hóa của họ để bù đắp cho phần chi phí sản xuất tăng thêm. Cũng tương tự như thế, các khoản chi phí cố định, như chi mua máy móc và trang thiết bị, cũng có thể chia đều qua doanh số bán hàng cao hơn.
Qua theo dõi biên lợi nhuận hoạt động của các công ty thuộc chỉ số S&P 500, ông Golub nhận thấy rằng biên lợi nhuận của các công ty thường tăng giảm theo đà thăng giáng của giá nguyên vật liệu, nhưng có độ trễ. Ông theo dõi chỉ số hàng hóa, trong đó bao gồm kẽm, cao su, thép phế liệu và vải .
Diễn biến giá hàng hóa và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp
Thời gian gần đây, dường như khó mà tìm thấy một mặt hàng nào đó không tăng giá. Từ lúa mì, ngô cho đến bột gỗ, dầu thô, đồng, tất cả đều đã hồi phục mạnh sau cú rơi vì Covid-19 hồi năm 2020.
Giá gỗ xẻ tăng hơn 75% so với mức giá kỷ lục trước đại dịch. Giá gỗ tăng cao cùng với đà tăng của giá đồng và dầu thô là tín hiệu cực kỳ khả quan đối với lợi nhuận doanh nghiệp, ông Golub nhận định.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 1% trong tháng 3/2021, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố gần đây. Sắt thép, hóa chất công nghiệp, dầu diesel và hạt nhựa là những mặt hàng có giá cả tăng mạnh nhất. Chỉ số PPI tháng 3 tăng 4.2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
Scott Colyer, Giám đốc điều hành của Công ty Advisors Asset Management, cho rằng, giá nguyên vật liệu giá hàng hóa đầu ra có nhiều khả năng sẽ tăng giữa lúc các nước tung ra các gói kích thích tài chính và tiền tệ để xoa dịu tác động của đại dịch và vực dậy nền kinh tế của họ.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm của một số nguyên vật liệu và sự gián đoạn nguồn cung khiến các nhà quản lý thu mua phải tích trữ nguyên liệu cần thiết để sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ góp phần làm tăng thêm nhu cầu.
Cơn sốt mua nhà ở giữa đại dịch đã tạo điều kiện cho các nhà xây dựng cũng như các nhà cung cấp của họ – như công ty Sherwin-Williams và nhà sản xuất cửa Masonite International Corp – nâng giá bán mà không bị mất khách hàng. Nhiều công ty hàng tiêu dùng cũng chạy theo xu hướng này.
Các công ty như Levi Strauss & Co, Constellation Brands (công ty sản xuất bia Corona) và Conagra Brands (công ty đóng gói thực phẩm) tiết lộ rằng họ đang nâng giá bán để ứng phó với nguyên vật liệu đắt đỏ hơn.
David Marberger, Giám đốc tài chính của Conagra Brands, gần đây đã nói với nhà đầu tư rằng: “Lịch sử cho chúng ta thấy rằng việc điều chỉnh giá nhiều khả năng được thị trường chấp nhận khi xảy ra tình trạng lạm phát chi phí đầu vào toàn ngành và trong nền kinh tế nói chung. Đó chính là điều chúng ta đang chứng kiến tại thời điểm này”.
Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)