Báo cáo mới của liên minh chống nghèo đói và bất công Oxfam cho thấy 1% người giàu nhất thế giới gây ra lượng khí thải tương đương với 5 tỉ người khác.
Báo cáo mang tên Climate Equality: A Planet for the 99% (tạm dịch: Bình đẳng khí hậu: Hành tinh cho 99% nhân loại), do Oxfam công bố hôm 19.11 được báo The Guardian xem là nghiên cứu toàn diện nhất về vấn đề bất bình đẳng khí hậu toàn cầu từng được thực hiện.
Báo cáo chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của tình trạng bất bình đẳng trong phát thải khí carbon dioxide (CO2) và tác động từ lượng phát thải của giới siêu giàu, với khoảng 77 triệu người trên thế giới. Ngưỡng thu nhập để lọt vào nhóm 1% toàn cầu này được điều chỉnh theo sức mua tương đương của từng nước, ví dụ tại Mỹ là 140.000 USD.
Giới giàu có – gây ô nhiễm
Theo báo cáo, nhóm 1% này phát thải 5,9 tỉ tấn CO2 trong năm 2019, tương đương 16% lượng phát thải toàn cầu và bằng với mức phát thải của 66% dân số có thu nhập thấp nhất (5,1 tỉ người). Tính hẹp hơn, mức phát thải khí nhà kính từ các du thuyền, chuyên cơ, biệt thự và hoạt động đầu tư của 12 người giàu nhất thế giới còn nhiều hơn lượng phát thải hằng năm của 2,1 triệu hộ gia đình.
Một báo cáo khác của tổ chức vận động giao thông sạch Transport & Environment tại châu Âu cho thấy lượng khí thải tính trên mỗi hành khách của máy bay tư nhân nhiều gấp 14 lần so với máy bay thương mại và gấp 50 lần của xe lửa. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng một chiếc siêu du thuyền phát ra hơn 7.000 tấn CO2 mỗi năm, nhiều gấp 1.500 lần so với một chiếc xe hơi gia đình phổ thông, theo The Guardian.
Đáng chú ý, sự thống khổ gây ra bởi giới siêu giàu này – những người sống trong những siêu biệt thự với không khí trong lành và thường di chuyển bằng chuyên cơ – lại đổ lên đầu những người nghèo khó, người di cư, phụ nữ và trẻ em sinh sống và làm việc ở nơi dễ bị tác động bởi khí hậu cực đoan.
Cố vấn cấp cao của Oxfam về chính sách công lý khí hậu Chiara Liguori cáo buộc nhóm thiểu số siêu giàu “đang cướp bóc và làm ô nhiễm hành tinh đến mức hủy diệt nhưng những người ít điều kiện nhất lại trả cái giá cao nhất”. Theo số liệu của LHQ, hơn 91% số ca tử vong do thảm họa liên quan khí hậu trong 50 năm qua xảy ra tại các nước đang phát triển.
Cần chính sách công bằng
Báo cáo của Oxfam được công bố trước thềm hội nghị về khí hậu COP28 của LHQ tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong tháng này. Các nhà hoạt động chống bất công đang kêu gọi đánh thuế mạnh lên giới siêu giàu và các công ty trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Theo Oxfam, việc đánh thuế tài sản và thu nhập của những người giàu nhất có thể thu về hơn 9.000 tỉ USD mỗi năm để đầu tư vào một “tương lai xanh” bình đẳng hơn cho nhân loại.
Nhóm 1% siêu giàu này được cho là những người kiểm soát hoàn toàn câu chuyện về khí hậu của thế giới thông qua lượng carbon mà họ phát thải và qua sự ảnh hưởng to lớn của họ đối với truyền thông, nền kinh tế, chính trị. Hơn nữa, nhóm thiểu số giàu có, trong đó có cả các chính trị gia, đã đầu tư và có cổ phần trong các công ty nhiên liệu hóa thạch. Điều này giúp lý giải vì sao mức phát thải toàn cầu ngày càng cao và vì sao các nền kinh tế phát triển đầu tư 1.800 tỉ USD để hỗ trợ ngành nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020, trái với cam kết quốc tế của họ về việc loại bỏ dần phát thải CO2.
AFP dẫn lời ông Max Lawson, đồng tác giả của báo cáo, cho rằng chống khủng hoảng khí hậu là thách thức chung nhưng trách nhiệm của mỗi người không ngang bằng với nhau. Theo ông Lawson, thông điệp chính của báo cáo là thúc đẩy các chính quyền tạo ra chính sách khí hậu cấp tiến, trong đó quy định người phát thải nhiều nhất phải đóng góp lớn nhất.
Những con số đáng báo động
Báo cáo của Oxfam ước tính trung bình 1 người thuộc nhóm 1% giàu nhất phát thải gấp 1.500 lần so với 1 người thuộc nhóm 99% còn lại . Oxfam sử dụng nhiều mô hình để đưa ra dự báo rằng lượng khí thải của nhóm 1% đủ để gây ra cái chết liên quan nhiệt độ của 1,3 triệu người trong vài thập niên tới.