Trang Chủ Khởi Nghiệp Khởi nghiệp chỉ với 50 triệu bằng nghề nuôi “Thủy đặc sản” đã gặt hái thành công

Khởi nghiệp chỉ với 50 triệu bằng nghề nuôi “Thủy đặc sản” đã gặt hái thành công

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Thị trấn Trần Phú thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được biết đến với nghề nuôi “Thuỷ đặc sản” nổi tiếng đó là con Ba ba gai. Với đặc điểm là thị trấn miền núi có khí hậu lạnh, nguồn nước sạch và nhiều mạch nước ấm vào mùa đông rất phù hợp cho Ba ba gai sinh trưởng và phát triển. Ba ba bố mẹ được tuyển chọn là những con Ba ba suối tự nhiên, khỏe mạnh, ít bệnh tật và có khả năng sinh sản tốt, con giống khỏe. Đặc trưng Ba ba gai vùng núi Yên Bái thường đẹp mã, to khỏe, dễ thuần, ít bệnh và nuôi nhanh lớn nên rất được ưa chuộng.

 Nơi đây, trước kia người dân chỉ biết gắn bó với cây chè nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày mọi người chuyển đổi mô hình kinh tế sang nuôi Ba ba gai, đời sống được cải thiện, có thu nhập cao, con cái có điều kiện học hành. Đến với Thị trấn Trần Phú hôm nay chúngtôi đã thấy một thị trấn phố núi nhà cửa khang trang và ngày càng thay da đổi thịt. Hiện nay Thị trấn Trần Phú có hơn 300 hộ nông dân nuôi Ba Ba gai với quy mô lớn. Không chỉ nuôi Ba ba gai thương phẩm phục vụ cho các thương lái gom mua về đổ cho các nhà hàng ở Hà Nội và các tỉnh mà còn có nhiều cơ sở sản xuất Ba ba gai con giống. Được giới thiệu, Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi Ba ba gai con giống và Ba ba gai thương phẩm nhà Bác Chính Hoa (Khu trung tâm, Thị trấn Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu ao nuôi Ba ba gai nhà mình, Bác Chính chia sẻ: “Năm 2003, cả huyện Văn Chấn chỉ có vài nhà nuôi Ba Ba gai thôi. Có cậu em thấy chị ruột làm chè vất vả mà kinh tế lúc nào cũng khó khăn túng thiếu nên đã hướng dẫn cho nuôi Ba ba gai. Nhà Bác Chính ở trên khu đất cao và xa nguồn nước. Mọi người không ai nghĩ có thể đào ao nuôi được Ba ba gai vì bình thường đào giếng lấy nước ăn còn khó, phải đào sâu mấy chục mét mới có đủ nước sinh hoạt. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo để con cái có điều kiện học hành Bác Chính và vợ đã đi vay ngân hàng 50 triệu về đào ao nuôi thử nghiệm một ô nhỏ tầm 40m sau đó cứ nhân dần số lượng lên. Ngày đó con giống khó khăn lắm. Phải quen thân họ mới bán cho mỗi người 20 con thôi. Mọi người muốn mua phải đặt cọc tiền trước mấy tháng. Để đào ao Bác Chính thuê máy xúc về múc, mua bùn sạch ở hồ ao chỗ khác về đổ vào ao rất vất vả. Muốn có nguồn nước sạch Bác Chính phải mất nhiều công sức mới đặt được đường ống dẫn nước từ trên khe núi cao cách nhà hơn 10 Km để cho vào ao. Sau vài năm có điều kiện Bác Chính mới đào thêm giếng khoan để đảm bảo nguồn nước ra nước vào sạch sẽ cho con thủy đặc sản này sinh sống.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Nuôi Ba ba gai là một nghề thu nhập tương đối cao cho người dân ở đây. Giá Ba ba gai thương phẩm tuỳ từng thời điểm giao động từ 500.000₫ đến 600.000₫/1kg. Một con ít nhất từ 2-3kg. Còn còn con giống Ba ba gai từ 200.000₫-300.000₫ cho một con mới nở tầm một tuần. Sản phẩm được rất nhiều người miền xuôi ưa chuộng và đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước. Trước năm 2015, Ba ba gai thương phẩm được thương lái thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch rất nhiều. Giá lúc đó hàng triệu/1kg không có bán. Hiện giờ giá đã bình ổn. Bác Chính có bộc bạch: Chỉ sau 2 năm nuôi thử nghiệm, Bác Chính đã thu hồi vốn và tiếp tục mở rộng thêm diện tích ao nuôi. Thấy nghề này ổn định nên hai bác bỏ hẳn làm chè và đi chợ, chỉ chuyên tâm chăm sóc cho ao nuôi Ba ba gai cho đến giờ. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định hàng năm nên Bác đã dành dụm được tiền để xây nhà xây nhà và nuôi hai con học xong đại học và tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi.

Dưới đây là những kinh nghiệm và kỹ thuật cho mọi người tham khảo khi muốn khởi nghiệp bằng nghề nuôi con “Thuỷ đặc sản” này:

  1. Kỹ thuật nuôi Ba Ba gai giống

Ba ba gai phải nuôi trong ao xây dựng đúng tiêu chuẩn. Độ sâu mức nước ao từ 1,5 – 2m, đáy ao phải có bùn và cần xây dựng sao cho có độ nghiêng dần về cống thoát nước. Phải đảm bảo nước trong ao, bể luôn sạch, vào mùa Đông nên chú ý để bèo nhiều giúp hút chất bẩn trong nước và che ấm cho ba ba, vào mùa Hè thì vớt bớt bèo đi, tạo thông thoáng cho ba ba phát triển.

Quy trình sản xuất Ba ba giống có rất nhiều khâu và phải nắm vững kỹ thuật mới cho chất lượng tốt được như nuôi vỗ béo Ba ba bố mẹ như thế nào trong mùa sinh sản? khâu ấp trứng, khâu nuôi ương Ba ba con giống. Ngoài ra phải xây dựng nhà đẻ cho Ba ba ở cạnh ao nuôi Ba ba bố mẹ vì đặc tính sinh sản của Ba ba là bò lên cát đẻ và vùi trứng vào trong cát sau khi đẻ xong.

Ba Ba gai đẻ trứng theo mùa từ tháng 4  đến tháng 5 hàng năm. Mỗi con đẻ trung bình từ 20-25 quả tuỳ con. Con nào đẻ tốt có thể được 3 lứa. Vào mùa Ba ba sinh sản, hàng ngày phải đi kiểm tra trứng để cho vào ấp. Trứng đủ tiêu chuẩn ấp là những quả trứng được thụ tinh. Quả phải to tròn. Phân biệt rõ hai phần là phần phôi và phần noãn.

 Ấp trứng cũng phải theo quy trình và kỹ thuật ấp thì tỷ lệ đậu mới cao. Sau khi thu trứng từ 2-3 ngày đạt tiêu chuẩn sẽ vùi trứng từ 8-10cm. Nhiệt độ ấp trứng phù hợp từ 28-30 độ. Thời gian ấp trứng sẽ nở khi đủ ngày đủ tháng. Khoảng 65-70 ngày con Ba ba con sẽ tự tách trứng nở ra và bơi xuống khu có nước. Sau vài ngày cứng cáp sẽ được chuyển sang khu ươm nuôi và chăm sóc đặc biệt.

  1. Thức ăn cho Ba ba gai

Thức ăn cho Ba ba gai sẽ được bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của chúng và từng loại khác nhau như: Ba ba bố mẹ, Ba ba thương phẩm hay Ba ba ươm bằng các loại thức ăn chứa nhiều đạm như giun, cá mè, cá nẹp và thịt. Thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian ba ba sinh trưởng nhanh nên cần chú ý cho ba ba ăn đầy đủ. Những ngày thời tiết mát mẻ, ba ba ăn khoẻ hơn nên có thể tăng thêm 5% khẩu phần; khi trời nóng lượng thức ăn giảm 2-3%. Đối với ba ba còn nhỏ, thức ăn cần luộc qua để chúng có thể tiêu hóa tốt hơn.

  1. Những lưu ý trong quá trình nuôi Ba ba gai.

 Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình nuôi sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu mọi người không kiên trì và có kinh nghiệm thì rất dễ nản chí bỏ dở giữa chừng như thời tiết nóng quá trứng đẻ không đậu, nước bẩn quá cũng bị nấm, thay đổi thời tiết cũng bị dịch bệnh, nếu không chữa kịp thời sẽ chết hàng loạt. Chăm sóc Ba ba gai đòi hỏi phải có kỹ thuật và nguồn thức ăn phải đảm bảo. Thường xuyên học hỏi thêm nhiều kỹ thuật và phương pháp mới của các chuyên gia thủy sản đầu nghành.

Trên toàn quốc, hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi Ba ba gai nhưng không phải ai cũng kiên trì và thành công. Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi tổng hợp sau một thời gian nuôi ba ba gai và mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng tích cực. Hi vọng với những chia sẻ này bà con sẽ tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm hữu ích và cần thiết nhất. Khi Ba ba gai mới nở nên để ươm tầm 7 ngày cho cứng cáp hãy vẫn chuyển đi nơi khác để cho con nhỏ có đủ sức khỏe. Khi mang con con đi xa về đến nhà để trong chậu ẩm một lúc cho Ba ba con hồi sức rồi mới thêm nước. Mức nước thêm tầm 5mm không cho nhiều quá. Đặc biệt bể nuôi con nhỏ phải có mái che. Thức ăn cho ba ba con phải băm nhỏ và nhuyễn. Hàng ngày phải thay nước thường xuyên.

Khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi Ba ba gai sinh sản là nguồn thức ăn phải đảm bảo, bùn nuôi phải sạch sẽ, đảm bảo nước ra nước vào, thả bèo kín trên mặt ao vừa trong nước lại che ánh sáng rất tốt nhằm tránh Ba ba cắn nhau. Trong quá trình ấp trứng thường xuyên phải kiểm tra nhiệt độ ổ ấp, độ ẩm quá trứng cũng hỏng.  Ngoài ra mật độ nuôi cũng phải phù hợp với diện tích ao nuôi. Mật độ dầy quá Ba ba cũng cắn nhau. Mật độ ghép cặp bao nhiêu con cái và bao nhiêu con đực cũng phải hết sức lưu ý.

Trên đây là những chia sẻ mà chúng tôi tổng hợp lại sau khi tham quan mô hình nuôi ba ba gai nhà Bác Chính. Đây là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng tích cực. Hi vọng với những chia sẻ này sẽ hữu ích cho những ai muốn khởi nghiệp từ nghề nuôi con “Thuỷ đặc sản” này.

You may also like