Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Tài Chính Thanh khoản bùng nổ, gần 26.000 tỷ đồng ồ ạt vào thị trường

Thanh khoản bùng nổ, gần 26.000 tỷ đồng ồ ạt vào thị trường

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Sau một tuần nghẽn lệnh từ sáng, sàn HosE bất ngờ nhận lệnh bình thường tới… 14h20′. Chứng khoán Việt Nam cũng đi ngược xu hướng giảm của các sàn chứng khoán châu Á.
Bất ngờ sau một tuần quen với nghẽn lệnh sớm

Phiên giao dịch đầu tuần mới ghi nhận cú bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam về điểm số lẫn giá trị giao dịch. Hiện tượng nghẽn lệnh ngay phiên sáng trên sàn chứng khoán TP.HCM phổ biến trong tuần trước đã không còn xảy ra. Giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE từ sáng đạt hơn 13.700 tỷ đồng nhưng tiền vẫn đổ vào mạnh mẽ trong phiên chiều cho đến gần hết phiên khớp lệnh liên tục (14h20′). Giá trị khớp lệnh phiên 12/4 vọt lên 19.983 tỷ đồng.

Tình trạng quá tải của sàn HoSE thời gian qua xuất phát từ giới hạn số lượng lệnh nhập vào hệ thống. Với công suất thiết kế 900.000 lệnh, HoSE phân bổ 20% cho lệnh dự phòng. Còn lại 80% khối lượng lệnh phân bổ cho công ty chứng khoán theo 2 vòng gồm phân bổ đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (vòng 1) và phân bổ dựa theo số lệnh trong quá khứ (vòng 2).

Sự đột biến trong giá trị giao dịch phiên hôm nay cũng có khả năng đến từ sự xuất hiện của những lệnh mang giá trị lớn, như trường hợp hơn 1,2 triệu cổ phiếu HPG đã được chuyển nhượng với giá 56 tỷ đồng ngay đầu phiên giao dịch.

Ngoài ra, theo một nguồn tin từ HoSE, công tác khác phục hiện tượng nghẽn lệnh vẫn tiếp tục được HoSE và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai và cho kết quả bước đầu. Gần đây, HoSE đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh.

Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 25.899 tỷ đồng. Số tiền tương đương gần 1,12 tỷ USD ồ ạt vào thị trường mua cổ phiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rút ròng 212 tỷ đồng trên HoSE, nhưng lại bất ngờ mua ròng 172 tỷ đồng trên HNX. Giao dịch khối ngoại trên sàn HNX vốn khá trầm lăng với giá trị bán ròng chỉ quanh vài chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, cổ phiếu VND chuyển sang giao dịch trên HNX đã trở thành nhân tố đột biến, hút tới 178,27 tỷ đồng từ khối ngoại. Đây cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên hôm nay. Cổ phiếu VIC cũng chỉ được mua ròng 110 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác được mua trên 50 tỷ đồng như STB, NVL và chứng chỉ quỹ tham chiếu theo rổ chỉ số VN-Diamond.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng bị khối ngoại chốt lời khá mạnh dẫn đầu là VPB (-97 tỷ đồng), VCB (-91 tỷ đồng), CTG (-77 tỷ đồng), BID (-58 tỷ đồng)…GAS, VHM và VHM cũng bị khối ngoại rút trên 50 tỷ đồng.

VIC là trụ đỡ chính đẩy VN-Index tăng gần 21 điểm


Sắc xanh phủ rộng trên cả ba sàn. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 20,79 điểm lên 1.252,45 điểm – mức cao nhất trong phiên và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của sàn chứng khoán TP.HCM. Đây đã là phiên giao thứ 7 liên tiếp chỉ số sàn HoSE giao dịch trên vùng 1.200 điểm.

HNX-Index tăng 1,75 điểm (+0,6%) lên 295,53 điểm, cũng là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của chỉ số này. UPCoM Index cũng tăng 1,32% lên 84,1 điểm. Số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo.

Trên sàn HoSE, số lượng cổ phiếu tăng giá nhìn chung áp đảo trong phần lớn phiên giao dịch. Tuy nhiên, mức tăng tới gần 21 điểm như hôm nay có sự đóng góp lớn của 2 trụ cột lớn là cổ phiếu VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes). Hai cổ phiếu nhà Vin tăng lần lượt 5,7% và 2,9%.

VIC đang ở mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch, qua đó đưa vốn hóa thị trường của Vingroup lên 446.481 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu khác cũng đang ở mức giá cao kỷ lục như HPG (51.200 đồng/cp), VPB (49.000 đồng/cp)…

Sau khi chuyển giao dịch sang sàn HNX, cổ phiếu VND trở thành ngôi sao sáng với phiên đứng đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại và là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất sàn Hà Nội và cũng tăng giá tới 5,97% trong phiên nay. Kể từ ngày cuối giao dịch trên HoSE (30/3), giá cổ phiếu VND đã tăng 23,5%. Cổ đông còn có thêm quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt (500 đồng/cổ phiếu) với ngày giao dịch không hưởng quyền vào hôm nay (12/4), đồng thời, không phải lo ngại về khả năng không thể thực hiện giao dịch do lỗi chung của hệ thống.

Sàn chứng khoán Việt Nam ngược dòng châu Á

VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán châu Á ngày 12/4. Trừ Việt Nam, Hàn Quốc (+0,12%) và Đài Loan (+0,03%), sắc đỏ phù rộng ở phần còn lại của châu Á. Sàn chứng khoán Ấn độ giảm 3,32%, tại Indonesia, Thẩm quyến và Thượng Hải chỉ số chứng khoán cũng rơi sâu. Các nhà đầu tư Trung Quốc có những lo ngại về việc thắt chặt chính sách trong khi thời gian tới đây nhiều số liệu kinh tế sẽ được công bố như số liệu GDP quý 1 vào cuối tuần cùng với một loạt dữ liệu cho tháng 3, bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và chỉ số giá nhà.
Báo Đầu Tư

You may also like