Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Tài Chính Giới hạn vay và cho vay của công ty chứng khoán

Giới hạn vay và cho vay của công ty chứng khoán

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Thời gian gần đây có thông tin một số công ty chứng khoán cung cấp “sản phẩm” với tên gọi “hợp tác đầu tư”, “tiết kiệm tiền gửi” mà bản chất là huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân. Việc các công ty chứng khoán huy động vốn dưới hình thức vay tiền, nhận tiền gửi hay hợp tác đầu tư để sử dụng vào việc cho vay có vi phạm pháp luật hay không?


Quy định cấm “nhận tiền gửi” và “cấp tín dụng”

Khoản 2, điều 8, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trong đó có việc “nhận tiền gửi” (là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận) và “cấp tín dụng” (gồm cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác).

Theo điều luật trên thì chỉ tổ chức tín dụng mới được phép “nhận tiền gửi” và “cấp tín dụng”, đồng thời có loại trừ “giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

Tuy nhiên, đây là một quy định không chính xác và không rõ ràng, vì những lý do được trình bày ở các phần dưới đây.

Việc vay vốn của doanh nghiệp

Không có quy định nào cấm công ty chứng khoán vay vốn của khách hàng, nhà đầu tư hay cá nhân, pháp nhân nói chung để hoạt động kinh doanh. Tất nhiên, việc gửi tiền ăn lãi tại các công ty chứng khoán có phần rủi ro hơn gửi ngân hàng.

Pháp luật không chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung được hay không được phép vay và cho vay như trên. Chẳng hạn, một số tổ chức tín dụng như công ty tài chính chỉ được phép “nhận tiền gửi” của tổ chức, chứ không được phép “nhận tiền gửi” của cá nhân, theo quy định tại điều 108, Luật các tổ chức tín dụng.

Ngược lại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng, nhưng vẫn đương nhiên được phép “nhận tiền gửi” theo quy định tại các điều 1, 2 và 123, Luật các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, tuy không phải là tổ chức tín dụng, nhưng các chủ thể sau đây vẫn được phép huy động vốn nói chung và vay vốn nói riêng một cách hợp pháp:

Thứ nhất, cá nhân và pháp nhân, trong đó có công ty chứng khoán, có quyền “nhận tiền gửi” dưới hình thức “vay vốn” và một số hình thức khác theo quy định tại các điều từ điều 463 đến điều 471 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vay tiền và hợp đồng vay tài sản; khoản 14, điều 3, Luật Đầu tư năm 2020 về hợp tác kinh doanh;

Thứ hai, doanh nghiệp, trong đó có công ty chứng khoán, có quyền huy động vốn nói chung, vay tiền nói riêng theo quy định tại khoản 3, điều 7; điểm d, khoản 2 điều 55; điểm e, khoản 1, điều 76; khoản 4, điều 77; điểm h, khoản 2, điều 153; điểm b, khoản 3, điều 167; điểm e, khoản 3, điều 182, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Việc cho vay của doanh nghiệp

Cá nhân, pháp nhân, trong đó có doanh nghiệp và công ty chứng khoán, được phép cho vay vốn theo các quy định sau đây:

Thứ nhất, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng, nhưng vẫn đương nhiên được phép “cấp tín dụng” theo quy định tại các điều luật tương tự như đối với “huy động vốn” nêu trên;

Thứ hai, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, theo quy định tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, không phải là tổ chức tín dụng nhưng hoạt động cho vay là ngành nghề kinh doanh chính;

Thứ ba, doanh nghiệp được phép cho vay vốn và tài sản theo quy định tại các điều khoản tương tự như việc vay vốn nêu trên và quy định tại điểm b, khoản 8, điều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2016); khoản 2, điều 3, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014).

Việc vay và cho vay của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán được quyền vay vốn với tư cách là một doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty chứng khoán phải bảo đảm việc vay vốn với “Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 5 lần”, theo quy định tại khoản 8, điều 86, Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 1, điều 26 về “Hạn chế vay nợ”, Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Quy định về hoạt động của công ty chứng khoán” (trước đó là không quá ba lần).

Không có quy định nào cấm công ty chứng khoán vay vốn của khách hàng, nhà đầu tư hay cá nhân, pháp nhân nói chung để hoạt động kinh doanh. Tất nhiên, việc gửi tiền ăn lãi tại các công ty chứng khoán có phần rủi ro hơn gửi ngân hàng.

Công ty chứng khoán được phép “cấp tín dụng” với bốn loại “dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán”, “dịch vụ cho vay chứng khoán”, “dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán” và “cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán dưới hình thức giao dịch ký quỹ” theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 4, điều 86, Luật Chứng khoán năm 2019.

Ngoài ra, với tư cách một doanh nghiệp, công ty chứng khoán còn có thể cho một số cá nhân và doanh nghiệp đối tác vay tiền trong trường hợp không liên quan đến chứng khoán vì Luật Chứng khoán không cấm (dù bị cấm cho vay “dưới mọi hình thức” khác theo khoản 1, điều 27, Thông tư 121).

Như vậy, nhìn chung, việc các công ty chứng khoán huy động và cho vay vốn không quá giới hạn của pháp luật chứng khoán là không vi phạm pháp luật nói chung và quy định của Luật các tổ chức tín dụng nói riêng.

Tuy nhiên, với bên gửi tiền cho công ty chứng khoán để hưởng lãi thì có phần rủi ro hơn so với với việc gửi tiền cho ngân hàng. Việc này giống với việc gửi tiền cho ngân hàng là, tiền lãi thu được đều không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Nhưng khác đối với cá nhân là, không được bảo hiểm tiền gửi như việc gửi tiền tại các ngân hàng và tiền lãi thu được từ việc cho vay, đầu tư vốn tại công ty chứng khoán thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

LS. Trương Thanh Đức

TBKTSG

You may also like