TTO – Mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn than phiền là ‘không thể đi lại’ do yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày mà nhiều địa phương đưa ra, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Liên tục ở tại nhà máy Đắk Lắk trong suốt gần 5 tháng nay, bà Ngô Tường Vy – phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (trụ sở tại Bến Tre) – cho hay từ khi xảy ra đợt dịch lần thứ 4, bà phải hy sinh nhiều thứ, nỗ lực hết sức mình để bám trụ lại vùng nguyên liệu.
“Doanh nghiệp phải đấu trí rất nhiều để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tiêu thụ nông sản cho người nông dân, phải gạt bỏ riêng tư cá nhân để cùng bám trụ lại, cùng đồng hành với người lao động trong đại dịch” – bà Vy chia sẻ lý do ở lại nhà máy vì khi dịch bùng phát, có tới 50% lao động xin nghỉ việc nên việc có lãnh đạo chủ chốt là rất cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo bà Vy, diễn biến dịch xảy ra “không bình thường” như trước đây nên không thể vận hành và điều khiển công việc từ xa. Khi lãnh đạo trực tiếp ở lại nhà máy sẽ giúp “trấn an tinh thần nhân viên”, trực tiếp giám sát vận hành cả chuỗi hệ thống, đảm bảo tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển lưu thông hàng hóa.
Đến nay khi mọi công việc vận hành của chi nhánh đã đi vào ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, theo yêu cầu công việc bà phải trở về công ty tại Bến Tre để tiếp tục điều hành công việc chung, nhưng lại gặp khó khăn khi bị yêu cầu cách ly tập trung, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và nơi đi Đắk Lắk là vùng xanh.
Bà Vy chia sẻ là sau nhiều tháng tập trung cho phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nên nhiều công việc, hợp đồng với các đối tác ở phía Bắc cần được giải quyết trực tiếp nhưng cũng không thể ra Hà Nội bởi yêu cầu phải cách ly 7 ngày, trong khi nhu cầu đi công tác chỉ 1-2 ngày.
Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xử lý hợp đồng, thương thảo đơn hàng và hoàn thành các kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
Tương tự, lãnh đạo một công ty xăng dầu tại phía Nam cho hay đang triển khai mở rộng chuỗi phân phối, bán hàng tại miền Bắc. Thời gian qua TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh nên việc mở rộng thị trường ở phía Bắc có ý nghĩa rất lớn.
Tuy vậy, nhiều tháng nay mặc dù đã tích cực, chủ động làm việc với các đối tác, chi nhánh và điều hành công việc qua điện thoại, các kênh trực tuyến song lượng công việc vẫn bị ùn tắc. Nhiều hợp đồng, hoạt động đàm phán, trao đổi với đối tác, khách hàng phải trên cơ sở gặp gỡ trực tiếp mới đảm bảo sự tin tưởng và hiệu quả công việc, song quy định ngặt nghèo của các địa phương về cách ly khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.
“Rất mừng là Chính phủ đã đồng ý cho việc mở đường bay nhưng địa phương nào cũng yêu cầu người từ vùng dịch phải cách ly 7 ngày, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính. Giờ nếu tôi ra Hà Nội đi công tác chỉ 1-2 ngày, đến các tỉnh làm việc trong ngày rồi phải trở lại để điều hành công việc mà địa phương nào cũng yêu cầu cách ly 7 ngày thì sao đi giao dịch, làm ăn được?” – vị lãnh đạo này đặt câu hỏi.
Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với trường hợp người đã tiêm 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính thì việc đi lại bình thường; chỉ khuyến cáo xét nghiệm trong trường hợp có các triệu trứng ho, sốt, nghi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có tiếp xúc với F0.
“Khi đã xét nghiệm âm tính, tiêm đầy đủ 2 mũi rồi thì khó xảy ra chuyện nhiễm virus SARS-CoV-2. Như ở Hoa Kỳ, đi du lịch hay đi làm ăn ngắn ngày, đã tiêm 2 mũi không phải xét nghiệm, chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng, tiếp xúc với người nhiễm, còn cơ bản đi lại bình thường” – ông Nga cho hay.
Cũng theo ông Nga, việc nhiều địa phương yêu cầu phải xét nghiệm và cách ly sau khi Chính phủ đã ban hành nghị quyết về hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn là không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trước yêu cầu mở cửa trong trạng thái bình thường mới. Đây là cách làm sai và cố tình làm khó, cản trở việc đi lại, sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế của doanh nghiệp, thương nhân, nhân dân.
Do đó, ông cho rằng cùng với việc cần thực hiện nghiêm nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, cần có hướng dẫn rõ hơn trường hợp nào phải xét nghiệm, trường hợp nào cách ly, biện pháp cách ly ra sao để tránh tình trạng mỗi địa phương đang làm một kiểu, gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân.
Ngọc An _ Báo Tuổi trẻ