Kính gửi các doanh nghiệp Vừa & Nhỏ + Siêu nhỏ Việt Nam
Trong tình hình đại dịch phức tạp buộc phải tiến đến việc đóng cửa hầu hết các ngành nghề dẫn đến việc số lượng lớn doanh nghiệp phải đóng cửa vì không kịp thời chuyển dịch và điều hướng kinh doanh của mình lên một nền tảng khác với bình thường. Kéo theo đó là công tác phòng chống dịch trong công tác sản xuất đã kéo theo việc tăng chi phí vận hành, chi phí vận chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đến khi được phép hoạt động từng phần trở lạ của các ngành nghề, doanh nghiệp lại phải đối mặt với các thử thách đến từ thị trường và người tiêu dùng. Việc phải ở trong nhà trong một thời gian dài, người lao động mất việc do doanh nghiệp đóng cửa, thu nhập không có đã khiến cho cán cân Cung – Cầu có sự chênh lệch lớn. Người tiêu dùng càng ngày càng thận trọng trong việc chi tiêu và chủ yếu hướng đến nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho đời sống hàng ngày.
Trước thềm kết thúc năm tài khóa 2021 và bước sang năm 2022, cận kề nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới (bắt đầu từ 27/01/2022 – 03/02/2022), các doanh nghiệp càng “sốt” hơn trong vấn đề tìm kiếm lại đầu ra từ thị trường đã gián đoạn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong thời gian đóng cửa kinh tế và tập trung vào công tác phòng chống dịch, Lâm đã tham gia công tác tình nguyện ở vai trò Hậu cần cung ứng thực phẩm cho người dân; kèm theo việc tham gia tổ chức EBISU – Cộng đồng kết nối giao thương Việt – Nhật nhằm giải quyết các vấn đề về nhu cầu thị trường và đầu ra cho sản phẩm Việt trên thương trường Quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các phiên giao thương và hỗ trợ việc Tái khởi động cho một cộng đồng doanh nghiệp cho mùa Tết 2022, Lâm và các anh chị của những cộng đồng kết nối này lại đối mặt với các thử thách lớn nhất đó là: BÊN MUA CÓ NHU CẦU – BÊN BÁN CÓ KHÁT KHAO BÁN – KẾT QUẢ VẪN BẤT THÀNH GIAO.
Có rất nhiều nguyên nhân có liên quan đến vấn đề này. Nhưng trên thực tế, qua việc trực tiếp tham gia công tác thông dịch kết nối và cố vấn giải pháp, Lâm và các anh chị em đồng hành nhìn thấy rằng vấn đề này xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp Việt. Dưới đây Lâm xin mạn phép được chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình trong vấn đề này ở 2 điểm mấu chốt cốt lõi kèm theo đó là giải pháp cho vấn đề này.
1/ Tâm thái, Tư duy và Con người của các doanh nghiệp Việt:
Xét về mặt kinh doanh, khi có bất kỳ cơ hội kết nối giao thương nào thì các doanh nghiệp vẫn rất hăng hái vào háo hức tham gia. Thế nhưng, đến khi bước vào các vòng sàng lọc và đến vòng kết nối thì chính các doanh nghiệp lại đánh mất cơ hội của chính mình bởi những lý do muôn thuở và góc nhìn “con buôn”. Tâm lý “ăn xổi ở thì”, ngại đầu tư nhưng lại muốn được lợi nhuận, chưa kể đến việc nhân sự đại diện doanh nghiệp lại mang tâm thế “đi để trục lợi” từ chính công ty của họ đang phụng sự.
Chính tâm thế và tư duy này đã khiến các doanh nghiệp lạc lối trong chính suy nghĩ và định hướng của mình, vô hình chung lại tự đẩy mình vào tình thế “chơi sân đình – tắm ao làng” vốn đã ăn sâu vào máu và tâm thức của các doanh chủ. Từ đó, các doanh nghiệp tự giới hạn khả năng sản xuất, khả năng cung ứng của chính bản thân doanh nghiệp mình. Việc đầu tư chưa hướng đến các hạng mục trọng yếu và cốt lõi dẫn đến việc phân bổ dòng tiền, luân chuyển Tài chính lan man kém hiệu quả.
Việc sử dụng nguồn nhân lực truyền thống (người quen, người nhà) dẫn đến “tâm lý công thần” khiến tiêu cực nội bộ xảy ra và nghiêm trọng hơn chính là sự thất thoát nguồn Quỹ vận hành và Quỹ dự phòng.
Thậm chí có những doanh nghiệp còn có các “nhân sự phát triển thị trường – Sellers” hoặc chính bản thân người chủ doanh nghiệp đang bị “ngộ nhận nhiều điều” và “ảo tưởng” về Vị thế của mình trên thị trường. Việc nhìn nhận chủ quan, tự tin hóa tự cao dẫn đến việc doanh nghiệp dễ đặt mình vào thế bị động. Lâm nhớ nhất câu nói của một Seller đại diện cho công ty như sau: “Khách cần thì cứ đến tìm, tôi không phải việc gì đi chào hàng cả”.
Quay lại việc “đi để trục lợi” cho cá nhân, chỉ vì người nhân viên này mà doanh nghiệp đã chính thức mất đi cơ hội quay lại với các phiên giao thương tiềm năng bởi cái thói quen cố hữu, thâm căn cố đế gói gọn trong hai cụm từ hành vi: “tham nhũng”, “biển thủ của công”.
2/ Sự hiểu biết, đầu tư và trí tuệ người Chủ doanh nghiệp:
Đến thời điểm lúc này đây, các doanh nghiệp vẫn còn chưa thật sự hiểu biết và phân biệt như thế nào là Nhận dạng thương hiệu với Kích thước và quy cách đóng gói.
Thực tế, các doanh nghiệp hiện nay kém đầu tư về mặt hình ảnh thương hiệu, Bộ nhận dạng thương hiệu chưa đạt mức có thể thu hút được sự chú ý và góp phần Nâng tầm sản phẩm Việt. Chính vì thế, số lượng hàng hóa của Việt Nam tuy được nhiều nước đón nhận và có nhu cầu nhập hàng nhưng lại không thể chọn lựa được sản phẩm phù hợp.
Và kèm theo đó, cái tư duy “thu lợi ngắn hạn” cũng hạn chế các doanh nghiệp Việt bứt phá và thay đổi. Thậm chí mình còn từng nghe một chủ doanh nghiệp nói rằng: “Thay đổi kích thước bao bì thì tôi bị đánh mất giá trị thương hiệu”.
Việc thiếu kiến thức trầm trọng trong bước đầu của chiến lược kinh doanh này bắt nguồn lại cũng từ lý do “ngại mất chi phí”, “ngại đầu tư”. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp chỉ muốn “Bán cái mình muốn bán” thay vì “Bán cái mà khách hàng cần, thị trường cần”.
Chúng ta là người Việt kinh doanh trên đất Việt nhưng lại ngại tìm hiểu thị trường, ngại việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng dẫn đến việc “Tôi nghĩ khách cần….” mà không có số liệu để đối chứng. Và thêm nữa là cần phải nắm tâm lý tiêu dùng của thị trường vào các dịp Lễ Tết quan trọng.
Nói đến đây thì lại xuất hiện thêm một trạng thái tâm lý đến từ yếu tố con người. Thế giới công nhận người Việt Nam là thông minh, cần cù và thậm chí là có người giỏi. Nhưng tại sao lại có tình trạng “chảy máu chất xám” xảy ra? Đó chính là vì người Việt mình lại rất thích “Gà cùng một mẹ” nhưng sẵn sàng “đá nhau” đến sứt đầu mẻ trán. Ai cũng muốn mình được hưởng lợi từ việc triệt tiêu đối thủ, nhưng mấy ai chịu lùi lại 1 bước và liên kết với nhau để cùng chia sẻ thị trường, chia sẻ thành quả kinh doanh.
Điều này có thể thấy trong việc người Việt rất thích “kinh doanh theo loại hình xu thế bắt trend” kèm theo đó là lối cạnh tranh giành giật thị trường “trực tiếp”, tệ hại hơn là trong một vài lần mình diễn thuyết ở các diễn dàn ngành nghề, có một bạn tham gia đã phát biểu rằng: “Tôi sẽ dùng nguồn tiền của mình chạy chương trình giảm giá liên tục để lấy khách từ đối thủ”. Việc này lại dẫn đến việc “phá giá thị trường”, chính các doanh chủ Việt đã làm thấp giá trị sản phẩm và giá trị đầu tư của chính mình. Nguy hiểm nhất và đáng buồn nhất chính là tâm lý “thích đồ miễn phí” mà quên đi “giá cả sẽ kèm theo hạn sử dụng”.
Các “chuyên gia tự phong”, “ông hoàng tự sướng” luôn thao thao bất tuyệt về sự cạnh tranh bề nổi của các thương hiệu đối lập nhưng có bao nhiêu người thực sự làm và thực sự khuyến khích các doanh chủ nên đi theo? Có bao nhiêu tổ chức lập ra chỉ với mục đích “xây dựng đế chế đào tạo”, “lùa gà C-Level” rất hoành tráng nhưng chỉ dựa trên sách vở mà lại khuyết đi cái TÂM CHÍNH TRỰC trong việc đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp?
Nói đến đây thì càng nói sẽ càng làm dài bức thư. Và nói thì cũng không hiệu quả bằng việc các doanh chủ nên nhìn nhận và chiêm nghiệm lại, thành thật với chính mục đích kinh doanh của bản thân mình. Phần 3 mình sẽ nêu giải pháp. Và vì giải pháp này cũng như các cơ hội trong thời gian tới đều là các sân chơi cần sự đầu tư nghiêm túc và đúng đắn nhất.
3/ Giải pháp đầu ra cho thị trường, thay đổi thế giới quan về kinh doanh:
Giải pháp thực ra rất đơn giản, nhưng để thực hiện được thì cần sự cam kết từ chính những người tham gia. Bạn muốn chơi cuộc chơi lớn, bạn muốn phát triển thì bạn phải đầu tư tương xứng.
Điều cần nhất vẫn là thiết lập một Hệ sinh thái cộng đồng Liên Minh Doanh nghiệp đúng nghĩa. Thành viên tham gia cộng đồng này phải được sàng lọc kỹ càng ngay từ ban đầu, đồng thuận và cam kết với Hệ giá trị cốt lõi cũng như các Quy tắc ứng xử kinh doanh do Cộng đồng đề ra.
Trong Hệ sinh thái này bao gồm phức hợp đa ngành – đa nghề như sau:
– Các Nhà sản xuất và cung ứng trực tiếp.
– Các doanh nghiệp Giải pháp – Chuyên môn hóa cho các doanh nghiệp về Quy trình, Kiểm định, Pháp lý, Vận chuyển, Marketing….
– Các đơn vị đại diện về Thương mại & Xuất – Nhập khẩu
– Các đơn vị đại diện Kết nối giao thương
“Sân chơi chỉ dành cho người thật việc thật và chống chỉ định với PR bản thân hay trục lợi cá nhân.”
“Người mạnh là người phát triển được người yếu hơn.”
“Thống trị thị trường thì được gì? Làm vua thì được gì trong khi ngoài kia vẫn còn nhiều doanh nghiệp bơ vơ, bị bỏ quên?” – Trích dẫn lời Chú Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN VN.
“Độc cô thì ắt cầu bại”.
Trân trọng,
Lâm Phạm – C.E.O Công Ty TNHH Tư Vấn Đầu Tư Dịch Vụ Bếp Nhà M