Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpKinh Tế Việt Nam Phát triển công nghiệp vật liệu để nâng cao tự chủ của nền kinh tế Việt Nam

Phát triển công nghiệp vật liệu để nâng cao tự chủ của nền kinh tế Việt Nam

bởi Doanh Nhân Giao Thương

(PLVN) – Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM vừa phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.


Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: ngành công nghiệp vật liệu là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhưng ngành công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra.

Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. Việc đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

Vì vậy, cần làm rõ vai trò của ngành công nghiệp vật liệu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực trạng của ngành này ở nước ta; thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam; những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nút thắt trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu; phân tích, đánh giá để bắt kịp xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới; những đề xuất, kiến nghị về chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, trong thời gian tới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế.

Uyên San – Báo Pháp Luật

You may also like