GS Phong Lê (sinh năm 1938), tên thật là Lê Phong Sừ, sinh năm 1938 ở Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập tạp chí Văn học (1988-1995), Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Ông là tác giả của 15 cuốn sách in riêng và chủ biên trên 20 công trình tập thể về chuyên ngành văn học VN hiện đại. Ông được phong hàm giáo sư năm 1991, từng giữ chức Tổng biên tập tạp chí Văn học (1988 – 1995) và là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học VN hiện đại xuất sắc, từng vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học (năm 2005)…
Cuốn sách “90 chân dung văn hóa, văn chương Việt” do NXB Trẻ phát hành tuyển chọn 90 nhân vật mà GS Phong Lê đã nghiên cứu, sưu tầm và tổng hợp. Cuốn sách có dung lượng lớn (hơn 800 trang), trình bày theo trật tự năm sinh của các nhân vật. Đó là những tên tuổi có ảnh hưởng lớn trong văn học trung đại như Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát…
Trong công trình nghiên cứu này GS Phong Lê có đề cập đến khí phách và nhân cách của một nhà Nho điển hình cho Nho giáo Việt. Ngoài ra Ông còn định vị đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”, hôm nay và mãi về sau vẫn sẽ giữ nguyên giá trị của vị thi hào trong lòng lịch sử dân tộc. Đặc biệt, về danh nhân văn hóa thế giới – Hồ Chí Minh được tác giả ưu ái dành riêng số lượng trang viết như một tiểu luận.
Ông còn dồn tâm huyết với các nhân vật ông theo đuổi, nghiên cứu suốt một đời làm nghề như Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Đoàn Phú Tứ.. Với tinh thần “Đem cái riêng của mình trình hiện nơi cái chung vốn dẫy đầy”, có thể còn những chỗ chưa đồng thuận, nhưng cứ xem những nhân vật mà tác giả chọn ở đây như:
– Trương Vĩnh Ký – “Cuốn sổ bình sanh công với tội”;
– Nguyễn Văn Vĩnh trong buổi đầu nền văn chương quốc ngữ;
– Tản Đà với nhu cầu canh tân văn học; kịch tác gia và ông chủ xuất bản Vũ Đình Long;
– Nhất Linh Nguyễn Tường Tam – người sáng lập và chủ soái Tự Lực văn đoàn;
– Nguyễn Tuân – người đến được cái đẹp và cái thật;
– Trần Dần trước và sau bài thơ Nhất Định Thắng… có thể thấy những gì tác giả trình bày có sức hấp dẫn không thể bỏ qua.
Ông nhận xét về văn chương của tác giả Nguyễn Nhật Ánh luôn cho mọi người tin rằng cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống này và trong quan hệ giữa con người với nhau, qua đó khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác.
Viết về Hồ Dzếnh, GS Phong Lê tỉ mẩn rằng: “Ông lại nhắc nhở ta biết sống chăm chút hơn, nhân hậu hơn với những gì quen thuộc và cả những điều còn xa lạ hay ngang trái trong vận hành đầy vất vả của cuộc đời, cả trong sự tự quên mình đi”.
Hành trình khám phá “90 chân dung văn hóa, văn chương Việt” đó là 90 con người tài năng, trong đó “mỗi người khí chất” nhưng tất cả đều tỏ rõ khí cốt tài hoa, phong cách và tâm huyết. Đây không chỉ là một cái nhìn xuyên suốt về hành trình văn hóa của dân tộc mà còn giúp chúng ta mở ra một chân trời của tự do, của sáng tạọ, của khát vọng và cái đẹp. Qua đây còn giúp ta hình dung ra một chân dung thứ 91 vô cùng tài năng – chân dung GS Phong Lê.