Thị trường chứng khoán đang tập trung đặc biệt vào nhóm cổ phiếu nằm trong “hệ sinh thái” Louis, bao gồm BII, TGG, AGM, SMT, VKC, APG và mới đây nhất là TDH – khi các cổ phiếu tăng giá đột biến với khối lượng dư mua khủng khi có sự tham gia đầu tư của Công ty cổ phần Louis Capital (TGG).
Ban đầu, BII, TGG và AGM có mức tăng hàng chục lần so với đầu năm, cụ thể BII từ mức giá 3.600 đồng/cổ phiếu hiện đã tăng lên 28.000 đồng/cổ phiếu; TGG với mức tăng hơn 54 lần, từ 1.200 đồng/cổ phiếu lên 64.500 đồng/cổ phiếu, AGM tăng 210% từ 12.750 đồng/cổ phiếu lên 39.500 đồng/cổ phiếu.
Facebook có tên Đỗ Thành Nhân, tên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), thành viên Hội đồng quản trị TGG và từng là thành viên Hội đồng thành viên BII (hiện đã rút khỏi Hội đồng quản trị nhưng khẳng định đồng hành và tư vấn các kế hoạch phát triển của đơn vị) vào đầu tháng 9 đã đăng dự báo về triển vọng giá cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” Louis, như “Từ đây đến cuối năm, BII không được 3X, mọi người cứ chửi thoải mái”, hay “Từ đây đến cuối năm, BII không được 3X, TGG không được 4X – 5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X, mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng”.
Trên mạng xã hội Facebook một fanpage mang tên “Louis family” được thành lập, đã thu hút khoảng 8.000 thành viên.
Nhóm này đặt ra các yêu cầu không được chụp hình bất kỳ thông tin chia sẻ nào từ Chủ tịch, nhưng thực tế, vẫn có nhiều chia sẻ ra bên ngoài nhóm.
Một số nhà đầu tư đang là thành viên của nhóm cho biết, không còn các chia sẻ về giá cổ phiếu từ ông Nhân, nhưng thay vào đó, có nhiều chia sẻ của các admin về triển vọng doanh nghiệp, về niềm tin ông Nhân sẽ đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới và nhận được sự tương tác rất sôi động.
Nhiều nhà đầu tư tham gia mua các cổ phiếu “họ Louis” từ sớm đã có được mức sinh lợi đáng mơ ước và khi các cổ phiếu tăng dựng đứng, lượng nhà đầu tư đua đặt lệnh vì sợ mất cơ hội (hội chứng Fomo) rất nhiều thì khi cổ phiếu giảm mạnh, rủi ro là người “cầm lửa sau cùng”.
Trước hiện tượng số đông nhà đầu tư bất chấp đua lệnh mua các cổ phiếu thị giá nhỏ khi có tin đồn là “nhóm Louis thâu tóm”, như SJF, GKM, TAR, KVC… thì đã có các fanpage giả mạo nhóm Louis xuất hiện.
Nở rộ group, room chat chứng khoán
Trên mạng xã hội Facebook thời gian qua đã xuất hiện nhiều group đầu tư chứng khoán như Bigboys đầu tư cổ phiếu, T+ phím hàng free, Team Cộng sự đầu tư chứng khoán hay Hội Những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân. Những group này tàng tàng cũng có vài trăm nghìn thành viên.
Còn trên mạng xã hội Zalo thì các group chat của giới đầu tư mọc ra nhan nhản như nấm sau mưa. Mỗi nhóm như vậy có từ vài trăm đến hàng nghìn người tham gia, đa phần được miễn phí.
Các nhóm này phần lớn do các môi giới lập ra để giao lưu trao đổi với khách hàng cũ và mới. Nhưng chất lượng thông tin đưa vào group là điều đáng nói.
Công bằng mà nói, nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn từ các room chat. Vấn đề là các nhà đầu tư này đã may mắn chọn đúng thời điểm mua vào, bán ra.
Nếu may mắn được “phím” hàng khi giá còn “đỏ”, hàng T+3 về, giá cổ phiếu bắt đầu chạy thì đó là “thời điểm vàng”, nhưng nếu nhận được lời khuyên mua vào khi giá đã chạy 4,5 phiên trần trước đó thì chờ đến T+3, giá cổ phiếu có khi đã quay đầu. Tình huống này được giới đầu tư chứng khoán vẫn hay gọi là bị “úp bô”, “đổ vỏ”.
Cẩn trọng khi lựa chọn các room
Trong khi đó, Giám đốc Môi giới của một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM nhìn nhận, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn rất bài bản, mang lại giá trị cho nhà đầu tư mới, nhưng cũng có nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích kéo, xả hàng, tăng doanh thu môi giới, bán khoá học… khiến nhà đầu tư tiếp cận với nhiều luồng thông tin sai lệch và đối mặt với các rủi ro thua lỗ.
Những hội nhóm như vậy không chỉ gây thiệt hại trước mắt cho nhà đầu tư, về nhìn ra hơn là ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán, bởi khiến nhà đầu tư mất lòng tin và quay lưng với thị trường.
VÕ KHẢ TÚ