Hợp đồng dầu Brent tăng nhẹ vào ngày thứ Tư (07/4) nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, nhưng giá dầu WTI giảm do dự trữ xăng gia tăng trong bối cảnh lo ngại rằng sự bùng phát mới dịch Covid-19 sẽ làm suy yếu đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 42 xu (tương đương 0.67%) lên 63.16 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 44 xu (tương đương 0.7%) lên 59.77 USD/thùng.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 3.5 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng vọt 4 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 221,000 thùng xăng từ cuộc thăm dò của Reuters.
“Nếu bạn không cần sản xuất xăng, thì bạn không cần sử dụng nhiều dầu thô hơn”, Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, chia sẻ.
Giá dầu đã tìm thấy hỗ trợ từ những gợi ý của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng các nhà hoạch định chính sách đều lạc quan về triển vọng kinh tế nói chung.
Vào ngày 06/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chi tiêu công chưa từng có để đối phó với dịch Covid-19 sẽ đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 6% trong năm nay, một tỷ lệ tăng trưởng chưa từng đạt được kể từ những năm 1970, điều này cũng giúp hỗ trợ triển vọng nhu cầu nhiên liệu, đồng thời giúp giá dầu tăng.
Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, vốn đã chiếm hơn 50% số ca tử vong vì Covid-19 trong tuần trước, đã kiềm hãm đà tăng của giá dầu.
Thị trường dầu thô toàn cầu cũng có thể đối mặt với sự gia tăng nguồn cung, khi Iran và các cường quốc thế giới thực hiện các bước hướng tới việc khôi phục thỏa thuận đóng băng sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Iran và các cường quốc đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc để thảo luận về khả năng khôi phục lại thỏa thuận năm 2015, điều đó có thể dẫn đến việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Iran và làm tăng nguồn cung dầu.
An Trần (Theo CNBC) – Fili