Kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Mỹ, nền kinh tế nước này phải đối mặt với những thách thức của một thời kỳ bất ổn chưa từng có: Kinh tế rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, doanh nghiệp phá sản hàng loạt… Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều biện pháp chưa có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế, song những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 vẫn đang “thử thách” sức bật của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kinh tế ngày càng trượt dốc
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tuột dốc 9,5% trong quý II/2020, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của một quý, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, xóa sạch thành quả tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua và ghi dấu mức tăng trưởng tồi tệ nhất tính từ năm 1947. Cùng với mức giảm gần 5% trong quý I/2020, nền kinh tế Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Nguyên nhân chính của đợt suy thoái quý vừa qua là do người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu tới 34,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đây là yếu tố đóng góp đến 2/3 GDP. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dịch COVID-19 chính là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng thua lỗ tài chính của các doanh nghiệp nhỏ.
Báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy, các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất do dịch COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính cả quý II/2020, thời điểm mà dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm theo quý lớn nhất đối với lĩnh vực công nghiệp Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong đó, lĩnh vực chế tạo giảm tới 47% trong cả quý II.
Tình hình đầu tư cũng trở nên ảm đạm với mức giảm tới 27% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% vào tháng 4/2020, mức cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ trước cũng tạo gánh nặng lớn cho kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, một số biện pháp can thiệp, như: Hạ lãi suất cơ bản của đồng USD xuống mức gần 0% hay bơm hàng tỷ nghìn tỷ USD vào nền kinh tế; Chính phủ Mỹ tung ra các gói cứu trợ vài nghìn tỷ USD… chưa đạt được nhiều hiệu quả rõ ràng.
Theo Hãng Nghiên cứu IHS Markit, nếu không có giải pháp phù hợp, kinh tế Mỹ có 20% rủi ro sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kép. Tỷ lệ rủi ro sẽ tăng lên nếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh không đạt kết quả tích cực, cũng như việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không thể tìm tiếng nói chung về các gói cứu trợ mới.
Giới chuyên gia đều nhận định, tình hình kinh tế Mỹ sẽ diễn biến xấu đi trong thời gian tới, khi hầu hết các chính sách cứu trợ của Chính phủ Mỹ sẽ hết hiệu lực khiến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp thêm bất an.
Triển vọng khó đoán định
Theo tờ Washington Post, triển vọng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn sẽ không có nhiều tín hiệu khả quan qua các dự báo của giới phân tích. Các Thống đốc bang đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi mở cửa trở lại một phần nền kinh tế.
Mặc dù giải pháp này là cần thiết và phù hợp để đối phó với đại dịch, song trên phương diện kinh tế, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng mà theo dự báo có thể lên tới 50%. Đây là hệ lụy từng xảy ra trong thời kỳ Đại Suy Thoái, song không kéo dài.
Theo dự báo Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed, GDP của Mỹ có thể giảm tới 6,5% trong năm 2020, sau đó bật tăng trở lại 5% vào năm 2021 và 3,5% trong năm 2020. Những diễn biến trong thời điểm hiện nay cho thấy, dự báo này là hoàn toàn có cơ sở. Giới phân tích cho rằng, trong các chỉ số chi phối đến triển vọng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức báo động là mối quan ngại lớn đối với Chính phủ.
Tỷ lệ thất nghiệp trung bình được dự báo là 9,3% trong năm 2020, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu do Fed đề ra và có thể ở mức 6,5% trong năm 2021, 5,5% trong năm 2022. Tỷ lệ này đã tăng lên mức kỷ lục 14,7% vào tháng 4/2020 và hơn 20 triệu lao động đã mất việc do đại dịch. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp thực tế còn phải kể đến những trường hợp bán thất nghiệp, hay còn gọi là tình trạng người lao động vẫn có việc làm nhưng không làm hết năng suất. Do đó, con số thất nghiệp thậm chí còn có thể cao hơn nhiều so với tỷ lệ công bố.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, kinh tế Mỹ có thể suy giảm 38%, số người thất nghiệp có thể lên tới 26 triệu. Tình hình của quý III/2020 có thể được cải thiện, song không đủ để bù đắp những thiệt hại trước đó. Những hệ lụy tiêu cực sẽ lan sang quý IV/2020, với sản lượng kinh tế thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Các chuyên gia kinh tế cấp cao nhận định, Mỹ đang chứng kiến những bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế đang chậm lại, thậm chí dường như xu hướng tăng trưởng đi ngang sẽ diễn ra, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục trong tình trạng đình đốn.
Trong khi hàng triệu người dân Mỹ vẫn đang thất nghiệp, nhiều người lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp tạm thời có thể trở thành vĩnh viễn nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Một nghiên cứu mới đây của California Policy Lab cho thấy, có tới 57% số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại bang này kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát và những người này sau đó tiếp tục mất việc hoặc bị cắt giảm giờ làm.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, làn sóng thất nghiệp thứ hai tập trung vào lĩnh vực khách sạn, giải trí, bán lẻ, các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe. Những đối tượng chịu tác động của làn sóng này gồm phụ nữ, người lao động trẻ được đào tạo ở trình độ thấp, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và gốc Phi. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, số liệu về tình trạng thất nghiệp là một dấu hiệu đáng ngại giữa lúc nhiều người Mỹ không thể quay trở lại làm việc sau khi nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá vào đầu năm nay. Hiện, các nghị sĩ Mỹ đang đàm phán về một gói kích thích mới lên tới hàng nghìn tỷ USD hết sức cần thiết cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một số yếu tố khác cũng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế Mỹ là chỉ số lạm phát và giá dầu. Một mặt, lạm phát sẽ ở mức 0,8% trong năm 2020, tăng lên 1,6% trong năm 2021 và 1,7% trong năm 2022. Fed thường dùng lạm phát lõi (không tính biến động của giá thực phẩm và năng lượng) làm cơ sở để hoạch định chính sách tiền tệ.
Như vậy, về cơ bản, giới chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong phục hồi kinh tế. Tiến trình này gắn liền với việc mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, mở cửa trở lại cũng đang đồng nghĩa với việc khiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 bùng phát trở lại, thậm chí làn sóng thứ hai còn nguy hiểm và trầm trọng hơn so với làn sóng thứ nhất. Điều này đặt ra một vấn đề nan giải đối với Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay, đó là, làm thế nào để vừa tiếp tục tiến hành mở cửa trở lại, vừa ngăn chặn được làn sóng lây lan dịch bệnh? Câu trả lời dường như tập trung vào tiến trình nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19. Có thể nói, đây là giải pháp duy nhất có thể giúp Mỹ giải quyết được phần nào những vấn đề gai góc hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra./.
Nguồn: Tiến Long