Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpHợp Tác Quốc Tế Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý I và cả năm 2024

Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý I và cả năm 2024

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Đến thời điểm tháng 3/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Cụ thể, Liên hợp quốc (UN)[1] nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024; Ngân hàng Thế giới (WB)[2] cùng nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)[3] nhận định GDP toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2023; Liên minh châu Âu (EU)[4] dự báo tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) năm 2024 đạt 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 bằng với năm 2023, ở mức 3,1%.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3” của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)[5], khu vực ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024 do thương mại quốc tế cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước. Theo đó, AMRO dự báo tăng trưởng năm 2024 của một số quốc gia Đông Nam Á như sau: Phi-li-pin 6,3%, In-đô-nê-xi-a 5,2%, Ma-lai-xi-a 5,0%, Thái Lan 3,3% và Xin-ga-po 2,6%.

Đối với Việt Nam, trái ngược với xu hướng tăng trưởng thấp của năm trước, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 4,7% của năm 2023; UN và AMRO đều nhận định tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%, cao hơn mức dự báo 4,7% và 5,1% của năm 2023.

I. DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU

1. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn năm 2023

Các tổ chức quốc tế (UN, WB, OECD và EU) đều cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023, riêng IMF dự báo bằng với năm 2023.

Liên hợp quốc (UN)

Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024, UN nhận định trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024. Mặc dù kinh tế thế giới tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế vào năm 2023, nhưng có nguy cơ đối mặt với thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ dự báo sẽ giảm từ mức 2,5% của năm 2023 xuống 1,4% trong năm 2024. Châu Âu gặp nhiều thách thức trong bối cảnh lạm phát vẫn neo cao và lãi suất cao, tuy nhiên tăng trưởng GDP của khối này được dự báo sẽ tăng từ mức 0,5% năm 2023 lên 1,2% vào năm 2024. Triển vọng tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương và thu nhập thấp, vẫn còn yếu, khiến việc phục hồi hoàn toàn những tổn thất do đại dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

Ngân hàng Thế giới (WB)

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,4%, thấp nhất trong ba năm liên tiếp (từ mức 6,0% năm 2021 xuống 3,0% năm 2022, 2,6% năm 2023 và 2,4% năm 2024). Mức sụt giảm tăng trưởng này phản ánh tác động trễ của các chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát cao, các điều kiện tín dụng hạn chế cũng như thương mại và đầu tư toàn cầu yếu. Triển vọng năm 2024 cũng cho thấy mức tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế phát triển (dự báo chỉ đạt 1,2%), nhưng cải thiện phần nào tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (dự báo đạt 3,9%).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Trong báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế của OECD tháng 02/2024, OECD nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 2,9%, thấp hơn mức 3,1% của năm 2023. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Hoa Kỳ dự báo vẫn được hỗ trợ bởi chi tiêu hộ gia đình và điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ, nhưng đạt mức vừa phải (2,1%). Tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2024 dự báo chỉ đạt 0,6% do các điều kiện tín dụng tiếp tục thắt chặt trong thời gian tới. Tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc dự báo đạt 4,7% mặc dù Trung Quốc bổ sung thêm các chính sách kích thích kinh tế, điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng yếu, nợ cao và thị trường bất động sản yếu kém.

Liên minh châu Âu (EU)

Theo Dự báo kinh tế mùa đông 2024 của EU, tăng trưởng toàn cầu (không bao gồm EU) đạt 3,3% vào năm 2024 thấp hơn mức 3,5% của năm 2023. Trong đó, dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển không bao gồm EU giảm từ mức 2,2% của năm 2023 xuống 1,9% trong năm 2024; tăng trưởng của Hoa Kỳ được dự báo đạt 2,1% trong năm 2024, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2023; nền kinh tế Nhật Bản đã chậm lại rõ rệt trong những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo thấp hơn năm 2023 khi tiêu dùng tư nhân, thương mại và đầu tư yếu hơn. Tăng trưởng năm 2024 ở các nền kinh tế mới nổi (bao gồm cả Trung Quốc) được dự báo đạt 4,1%, giảm nhẹ so với mức 4,2% trong năm 2023. Nhu cầu trong nước của Trung Quốc vẫn yếu do khủng hoảng bất động sản tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp. Mức nợ cao đang tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời hạn chế khả năng can thiệp chính sách của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển khác cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc bất chấp những cơn gió ngược toàn cầu, với mức tăng trưởng dự báo sẽ tăng dần vào năm 2024.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Theo báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2024 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 3,1%, giữ nguyên so với tăng trưởng năm 2023. Số liệu này phản ánh các chính sách tiền tệ giảm dần, tiến tới ngừng hỗ trợ tài chính cũng như tăng năng suất thấp. Tăng trưởng năm 2024 của các nền kinh tế phát triển dự báo giảm nhẹ và đạt 1,5% với sự phục hồi ở khu vực đồng Euro và tăng trưởng vừa phải ở Hoa Kỳ. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự báo tăng trưởng ổn định ở mức 4,1% trong năm 2024, nhưng khác nhau theo các khu vực.

Hình 1. Tăng trưởng toàn cầu năm 2022, ước tính năm 2023 và dự báo năm 2024 của các tổ chức quốc tế

* Số liệu năm 2022 theo báo cáo Triển vọng kinh tế OECD phát hành tháng 11/2023

** Tăng trưởng toàn cầu không bao gồm các quốc gia EU

            Nguồn: EU, IMF, OECD, UN và WB

Biểu đồ trên cho thấy các tổ chức quốc tế gồm UN, WB, OECD nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu giai đoạn 2022-2024 giảm dần. Cụ thể, UN cho rằng tăng trưởng toàn cầu giai đoạn 2022-2024 mỗi năm giảm 0,3 điểm phần trăm từ mức 3,0% năm 2022 xuống 2,7% năm 2023 và 2,4% năm 2024; OECD đánh giá tăng trưởng toàn cầu giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi năm cho giai đoạn 2022-2024; Mức giảm tăng trưởng toàn cầu do WB đưa ra từ 3,0% năm 2022 xuống 2,6% năm 2023 và 2,4% năm 2024. Trong khi đó, IMF nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3,1% cho hai năm 2023 và 2024. Trong các tổ chức quốc tế, EU nhìn nhận khả quan hơn về tăng trưởng của thế giới (không bao gồm EU) khi đưa ra đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn các tổ chức khác, cụ thể EU nhận định tăng trưởng năm 2023 cao nhất trong giai đoạn 2022-2024, từ mức 3,3% trong năm 2022 lên 3,5% trong năm 2023 và giảm về 3,3% năm 2024.

2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu tăng trưởng yếu trong năm 2024

Trong báo cáo Thước đo thương mại hàng hóa công bố ngày 08/3/2024, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)[6] nhận định thương mại hàng hóa toàn cầu ghi nhận mức tăng khiêm tốn trong Quý I/2024 sau kết quả yếu kém của năm 2023. Chỉ số thước đo thương mại hàng hóa đạt 100,6 cao hơn một chút so với giá trị cơ bản (là 100). Điều này cho thấy thương mại hàng hóa có khả năng dần phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây ra rủi ro đối với triển vọng trong ngắn hạn.

Các chỉ số thành phần của thước đo thương mại hàng hóa hầu hết ở mức trung bình, chỉ số về đơn đặt hàng xuất khẩu (101,7) và vận tải hàng không (102,3) tăng nhẹ so với xu hướng trong khi chỉ số vận chuyển container (98,6) và thương mại nguyên liệu thô (99,1) vẫn ở dưới xu hướng một chút. Chỉ số sản xuất và bán ô tô (106,3) cao so với xu hướng nhưng đang có dấu hiệu mất đà trong những tháng gần đây. Ngoài ra, sự phục hồi trong giao dịch linh kiện điện tử cũng giảm dần (95,6).

WB dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 0,2% năm 2023 lên 2,3% trong năm 2024, một phần phản ánh sự phục hồi của nhu cầu đối với hàng hóa, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. IMF nhận định tăng trưởng thương mại thế giới đạt 3,3% vào năm 2024, thấp hơn mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000-2019. Căng thẳng thương mại gia tăng và sự phân mảnh địa kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 khi các quốc gia đã áp đặt khoảng 3.000 hạn chế trong năm 2023 (năm 2019 là 1.100 hạn chế).

OECD có cùng nhận định với WB khi cho rằng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn trầm lắng nhưng đã bắt đầu có một số dấu hiệu cải thiện. Sản xuất chất bán dẫn và điện tử ở châu Á tăng cùng với doanh số bán ô tô tăng mạnh đang giúp củng cố thương mại hàng hóa và dịch vụ. Các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ đã khiến các luồng thương mại phải định tuyến lại, làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian giao hàng, đặc biệt đối với thương mại từ châu Á đến châu Âu. Điều này đã bắt đầu làm gián đoạn lịch trình sản xuất ở châu Âu, đặc biệt đối với các nhà sản xuất ô tô.

Lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm về mức mục tiêu

OECD nhận định trong trường hợp không có thêm những cú sốc bất lợi về nguồn cung, nhu cầu hạ nhiệt sẽ cho phép lạm phát chung và lạm phát cơ bản giảm hơn nữa ở hầu hết các nền kinh tế.

Theo WB, lạm phát toàn cầu và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm so với mức đỉnh 8,59% trong Quý III/2022. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và khoảng một nửa các quốc gia thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo ở mức 3,7%, tuy vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch nhưng đang tiệm cận mức mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương. Việc thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế phát triển dần đi đến hồi kết, nhưng lãi suất thực tế dự kiến sẽ vẫn tăng cao cho đến khi lạm phát dần trở lại mức mục tiêu khiến quan điểm hạn chế chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

IMF cũng đồng quan điểm khi cho rằng lạm phát toàn cầu dự báo sẽ giảm từ mức 6,8% trong năm 2023 (mức trung bình hàng năm) xuống 5,8% vào năm 2024. Theo đó, trong năm 2024, mức lạm phát của các nền kinh tế phát triển dự báo giảm nhanh, đạt 2,6%, trong khi lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển giảm nhẹ, đạt 8,1%.

Cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông cho đến nay tác động không đáng kể đến giá cả hàng hóa. Giá trung bình của hầu hết các mặt hàng tính theo đồng đô la Mỹ đã giảm kể từ năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu giảm, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trước đại dịch.

Giá dầu dự báo sẽ giảm xuống còn 81 USD/thùng vào năm 2024 khi hoạt động toàn cầu chậm lại và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Giá kim loại giảm 10% trong năm 2023 do nhu cầu thấp từ các nền kinh tế lớn – đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia chiếm 60% lượng tiêu thụ kim loại toàn cầu, trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nước này suy yếu kéo dài.

Giá kim loại dự báo sẽ giảm hơn nữa trong năm 2024, trước khi tăng vào năm 2025 khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ổn định và nhu cầu về kim loại được sử dụng trong quá trình chuyển đổi xanh (như đồng và niken) tăng lên.

Giá lương thực đã giảm 9% vào năm 2023, phản ánh nguồn cung dồi dào từ các loại cây trồng chính, đặc biệt ngũ cốc. Gạo là ngoại lệ khi tăng 27% năm 2023 trong bối cảnh hạn chế xuất khẩu gạo non-basmati từ Ấn Độ. Dự báo giá lương thực sẽ tiếp tục giảm khoảng 1% năm 2024. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI)[7] trong tháng 02/2024 ở mức 117,3 điểm, giảm 0,9 điểm (tương ứng giảm 0,7%) so với tháng 01/2024, do giá ngũ cốc và dầu thực vật giảm nhiều hơn so với mức tăng của giá đường, thịt và các sản phẩm từ sữa. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số FFPI giảm 13,8 điểm (tương ứng giảm 10,5%).

Điều kiện tài chính đã nới lỏng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu

OECD cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu gần đây đã nới lỏng khi những người tham gia thị trường tài chính dự đoán lãi suất chính sách sẽ giảm nhanh hơn so với dự kiến. Lợi suất trái phiếu dài hạn giảm, biến động giá cổ phiếu cũng giảm dần. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn yếu do tác động của lãi suất cho vay vẫn cao và các tiêu chuẩn tín dụng ngày càng chặt chẽ hơn.

Theo WB, lợi suất dài hạn trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế phát triển tương đối biến động trong năm 2023, phản ánh những kỳ vọng đang thay đổi về lộ trình tăng trưởng lãi suất trong tương lai và những biến động lớn về phí bảo hiểm có kỳ hạn. Mặc dù lợi suất đã giảm so với mức đỉnh 4,1% cuối tháng 10/2023, nhưng vẫn hàm ý gia tăng rủi ro tài chính, do mức nợ chính phủ trung bình so với GDP toàn cầu đã tăng 20 điểm phần trăm kể từ năm 2007.

Liên quan đến chính sách tài khóa, trong năm 2023, các quốc gia phát triển có xu hướng nới lỏng chính sách tài khóa. Tiêu biểu, Hoa Kỳ đã nới lỏng chính sách nhiều hơn so với khu vực đồng Euro và các nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi. Các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển nhìn chung giữ lập trường tài chính trung lập, ngoại trừ Brazil và Liên bang Nga. IMF nhận định trong năm 2024, lập trường chính sách tài khóa sẽ thắt chặt dần ở một số quốc gia phát triển, thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển nhằm tích lũy dư địa ngân sách, hạn chế gia tăng nợ, theo đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này trong thời gian tới.

Thị trường lao động phục hồi nhưng không đồng đều

Theo UN, thị trường lao động toàn cầu đã phục hồi nhanh chóng kể từ sau đại dịch. Đến năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nền kinh tế đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, đạt mức thấp gần như lịch sử ở Hoa Kỳ và một số nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều, đặc biệt các nền kinh tế đang phát triển đang trải qua những xu hướng khác nhau. Brazil, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở Tây Á và châu Phi đang trải qua tỷ lệ thất nghiệp cao. Ở hầu hết các nền kinh tế, tăng trưởng tiền lương không thể bù đắp được tác động của lạm phát và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Thị trường lao động ở các nước đang phát triển tiếp tục đối mặt với những thách thức dai dẳng về việc làm phi chính thức, chênh lệch giới tính và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)[8] nhận định tăng trưởng việc làm cho thấy khả năng phục hồi của thị trường lao động. Trong năm 2023, nhờ tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp và khoảng cách việc làm đều giảm xuống dưới mức trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2023 là 5,1%, khoảng cách việc làm toàn cầu[9] cũng được cải thiện vào năm 2023, nhưng vẫn ở mức gần 435 triệu người. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia thị trường lao động phần lớn đã phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, triển vọng thị trường lao động trong thời gian tới chững lại khi tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức 5,1% năm 2023 lên 5,2% vào năm 2024.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

IMF chỉ ra bốn nhân tố rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, giá hàng hóa tăng đột biến trong bối cảnh những cú sốc địa chính trị và thời tiết. Xung đột ở Trung Đông có thể leo thang sâu hơn, ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất khoảng 35% lượng dầu và 14% lượng khí đốt xuất khẩu của thế giới. Các cuộc tấn công liên tục ở Biển Đỏ, nơi chiếm 11% dòng chảy thương mại toàn cầu, và xung đột ở U-crai-na có nguy cơ tạo ra những cú sốc bất lợi mới về nguồn cung đối với sự phục hồi toàn cầu, do chi phí lương thực, năng lượng và vận chuyển tăng đột biến. Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng tăng có thể hạn chế dòng hàng hóa xuyên biên giới, gây thêm biến động giá cả. Những cú sốc thời tiết cực đoan hơn, bao gồm lũ lụt và hạn hán, cùng với hiện tượng El Nino, cũng có thể khiến giá lương thực tăng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và làm gián đoạn quá trình giảm lạm phát trên toàn cầu.

Thứ hai, lạm phát cơ bản kéo dài, đòi hỏi lập trường chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Lạm phát cơ bản giảm chậm hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển do thị trường lao động thắt chặt và căng thẳng gia tăng trong chuỗi cung ứng có thể khiến kỳ vọng về lãi suất tăng lên và làm giá tài sản giảm. Những diễn biến như vậy có thể làm tăng rủi ro về ổn định tài chính, thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, kích thích các dòng vốn chuyển sang nơi trú ẩn an toàn và củng cố đồng đô la Mỹ, gây ra những hậu quả bất lợi cho thương mại và tăng trưởng.

Thứ ba, tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc. Nếu không có gói chính sách tái cơ cấu toàn diện cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, đầu tư bất động sản có thể giảm nhiều hơn dự kiến và kéo dài hơn, gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong nước và các đối tác thương mại. Việc thắt chặt tài chính ngoài dự kiến do những hạn chế về tài chính của chính quyền địa phương cũng có thể xảy ra khiến tiêu dùng của hộ gia đình giảm trong bối cảnh niềm tin bị suy giảm.

Thứ tư, các nền kinh tế chuyển hướng sang củng cố tài khóa. Củng cố tài khóa là cần thiết ở nhiều nền kinh tế để đối phó với tỷ lệ nợ gia tăng. Tuy nhiên, sự chuyển dịch quá mạnh mẽ sang tăng thuế và cắt giảm chi tiêu vượt quá dự kiến có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong thời gian tới. Phản ứng bất lợi của thị trường có thể gây áp lực khi thực hiện những điều chỉnh khắc nghiệt hơn tại các quốc gia có nền tảng tài khóa trung hạn thiếu vững chắc hoặc đang gặp khó khăn về nợ. Điều này dẫn tới hạn chế đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ

1. Hoa Kỳ

UN ghi nhận tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ năm 2023 đạt 2,5%. Hoạt động mạnh mẽ của thị trường lao động, thị trường nhà ở vững mạnh và hoạt động của hộ gia đình sôi động giúp tăng mạnh chi tiêu dùng là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,7% trong tháng 01/2024 đi kèm với mức tăng lương danh nghĩa, trung bình đạt 5,4% trong Quý III/2023 đã tạo tiền đề cho tăng trưởng vững chắc tại quốc gia này dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và chỉ số giá nhà tăng cao. Chi tiêu dùng của chính phủ mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023. Tuy nhiên, tiết kiệm của hộ gia đình giảm dần, tỷ lệ lãi suất cao đi kèm với thị trường lao động và chi tiêu dùng dự kiến suy giảm trong năm 2024 là nguyên nhân khiến dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ giảm. Trong bối cảnh đầu tư tiếp tục trì trệ, nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu, đặc biệt nếu lạm phát cao quay trở lại, đòi hỏi phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, hoặc lãi suất cao trong thời gian dài sẽ bộc lộ những điểm yếu và rủi ro về tài chính như tăng tín dụng, nguy cơ vỡ nợ của người đi vay và rủi ro về thời hạn vay của các tổ chức tài chính, do đó UN dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 chỉ đạt 1,4%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với con số ước tính GDP của năm 2023.

WB nhận định tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2023 ổn định, đạt 2,5%. Tuy nhiên, lãi suất thực tế cao dẫn đến hạn chế trong hoạt động kinh tế, thắt chặt chính sách tài khóa, tăng trưởng tiêu dùng yếu do tiết kiệm giảm, lãi suất cho vay tăng cao, đầu tư kinh doanh giảm trong khi các công ty vẫn thận trọng trong bối cảnh kinh tế và chính trị không chắc chắn là những nguyên nhân khiến dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 thấp hơn năm 2023. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của quốc gia này sẽ chậm lại ở mức 1,6%.

Theo OECD, tăng trưởng GDP năm 2023 của Hoa Kỳ ước đạt 2,5%. Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này sẽ giảm nhẹ xuống mức 2,1% năm 2024. Mặc dù lượng tiền tiết kiệm dư thừa của hộ gia đình và chi tiêu của chính phủ giảm trong năm 2024 nhưng lạm phát thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền lương thực tế, cho phép nới lỏng lãi suất chính sách. Đây là nguyên nhân khiến OECD điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Hoa Kỳ so với dự báo đưa ra vào tháng 11/2023.

Theo IMF, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2023 ước đạt 2,5%. Tăng trưởng kinh tế nước này dự báo đạt 2,1% năm 2024, thấp hơn tăng trưởng năm 2023 do tác động trễ của việc thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ và suy yếu của thị trường lao động làm tổng cầu chậm lại.

Theo Trading Economics, chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 02/2024 đạt 52,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với mức 52 điểm của tháng 01/2024, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2023 do sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh, hoạt động của khu vực dịch vụ tăng cao kết hợp với số lượng đơn hàng xuất khẩu hàng hóa tăng.

Trading Economics[10] dự báo tăng trưởng GDP Quý I/2024 của Hoa Kỳ tăng 2,0% so với quý trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Hình 2. Ước tính tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 theo các tổ chức quốc tế

Nguồn: IMF, OECD, UN, WB

Biểu đồ trên cho thấy các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng kinh kế của Hoa Kỳ năm 2024 có xu hướng giảm so với mức 2,5% của năm 2023. WB và UN nhận định tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm (chỉ đạt 1,4% -1,6%) trong khi IMF và OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 chỉ giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2023 (đạt 2,1%).

2. Khu vực đồng Euro

OECD dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2024 trước khi phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế này dự báo đạt 0,6% năm 2024, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 11/2023, sau khi đạt 0,5% trong năm 2023.

Theo WB, tăng trưởng GDP năm 2024 của khu vực đồng Euro dự báo đạt 0,7%, cao hơn mức 0,4% của năm 2023. Giảm áp lực về giá giúp tăng tiền lương thực tế và nâng thu nhập khả dụng nhưng tác động trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước đây dự kiến sẽ hạn chế nhu cầu trong nước, đặc biệt là đầu tư kinh doanh, giảm tăng trưởng tín dụng.

IMF nhận định tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro năm 2024 sẽ phục hồi, đạt 0,9% năm 2024 từ mức tăng trưởng thấp 0,5% của năm 2023, do ảnh hưởng tương đối lớn từ cuộc chiến ở U-crai-na. Tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn, giá năng lượng và lạm phát giảm là động lực hỗ trợ tăng thu nhập thực tế, dự kiến sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, so với dự báo đưa ra trong tháng 10/2023, IMF đã điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng năm 2024 của khu vực đồng Euro, chủ yếu do kết quả hoạt động kinh tế năm 2023 yếu hơn dự kiến.

UN nhận định tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro năm 2023 ước đạt 0,6% và tăng lên mức 1,1% năm 2024.

Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 02/2024 của khu vực đồng Euro được điều chỉnh lên 49,2 điểm, cao hơn 1,3 điểm so với mức 47,9 điểm của tháng 01/2024. Đây là mức điểm cao nhất trong 8 tháng qua, phản ánh mức gần ổn định của nền kinh tế khu vực đồng Euro khi hoạt động của khu vực dịch vụ lần đầu tiên tăng kể từ tháng 7/2023.

Theo Trading Economics, GDP Quý I/2024 của khu vực đồng Euro dự báo tăng 0,2% so với Quý IV/2023 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Ước tính tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 theo các tổ chức quốc tế. Nguồn: IMF, OECD, UN, WB

Như vậy, các tổ chức quốc tế OECD, WB và IMF nhận định tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro dự báo sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng thấp, ước đạt khoảng 0,5% năm 2023 lên mức 0,6% – 0,9%, riêng UN dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro đạt 1,1% năm 2024.

3. Nhật Bản

Theo UN, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản dự báo sẽ chậm lại từ mức 1,7% năm 2023 xuống còn 1,2% năm 2024 dù quốc gia này áp dụng chính sách tài chính và tiền tệ thích ứng. Lạm phát gia tăng báo hiệu khả năng thoát khỏi xu hướng giảm phát kéo dài hơn hai thập kỷ. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai đối tác thương mại chính của Nhật Bản, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của quốc gia này trong năm 2024.

OECD dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 1,9% năm 2023 xuống còn 1,0% trong năm 2024 khi các chính sách kinh tế vĩ mô bắt đầu được thắt chặt.

IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm từ mức ước đạt 1,9% năm 2023 xuống còn 0,9% năm 2024.

Theo WB, tăng trưởng yếu của các đối tác thương mại lớn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đối với xuất khẩu của Nhật Bản, đối trọng với nhu cầu trong nước tăng do phục hồi tiền lương thực tế trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và lạm phát chậm lại. Do quá trình phục hồi sau đại dịch giảm dần nên WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ chậm lại ở mức 0,9% năm 2024, thấp hơn so với mức 1,8% của năm 2023.

Chỉ số PMI tổng hợp tháng 02/2024 của Nhật Bản đạt 50,6 điểm, giảm so với mức 51,5 điểm trong tháng 01/2024, phản ánh mức giảm mạnh của đơn hàng chế biến chế tạo, mặc dù đã được bù đắp bởi mức tăng mạnh nhất của khu vực dịch vụ kể từ tháng 9/2023.

Trading Economics dự báo GDP Quý I/2024 của nền kinh tế Nhật Bản tăng 0,1% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 4. Ước tính tăng trưởng của Nhật Bản năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 theo các tổ chức quốc tế. Nguồn: IMF, OECD, WB, UN

Theo biểu đồ trên, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2024 sụt giảm mạnh so với năm 2023, đạt từ 0,9% – 1,2% trong năm 2024 so với mức 1,7% – 1,9% của năm 2023.

4. Trung Quốc

UN nhận định quá trình phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 diễn ra chậm hơn dự kiến trong bối cảnh có những khó khăn trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước đạt 5,3% trong năm 2023. Sự bất ổn của lĩnh vực bất động sản và suy giảm nhu cầu bên ngoài đã đè nặng lên tăng trưởng tài sản cố định, đầu tư tài sản, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Mặc dù tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính nhưng niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Đây là những nguyên nhân chính khiến UN dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc thấp hơn năm 2023, đạt 4,7%.

Theo OECD, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với các vấn đề bất động sản, các chính sách kích cầu liên tiếp nhằm bù đắp cho sự suy giảm đang diễn ra của lĩnh vực bất động sản, trong khi niềm tin của người tiêu dùng thấp và mạng lưới an sinh xã hội không đầy đủ đã cản trở tăng trưởng tiêu dùng cá nhân. OECD nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 5,2% năm 2023 xuống còn 4,7% năm 2024.

Trong Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2024, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 đạt 4,6%, mặc dù điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 10/2023 (4,2%) nhưng vẫn thấp hơn mức 5,2% của năm 2023. Điều chỉnh tăng phản ánh hiệu ứng chuyển tiếp từ mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong nửa cuối năm 2023 và việc tăng chi tiêu của chính phủ vào xây dựng năng lực phòng chống thiên tai.

Theo WB, niềm tin của người tiêu dùng suy yếu ảnh hưởng đến tiêu dùng, căng thẳng dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản kìm hãm hoạt động đầu tư, nhu cầu toàn cầu giảm đè nặng lên xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu trong nước chậm lại kìm hãm nhập khẩu là những nguyên nhân chính khiến WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 sẽ chậm lại ở mức 4,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,2% của năm 2023. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn ba thập kỷ qua trừ năm 2020 và 2022 do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 02/2024 đạt 52,5 điểm, bằng với chỉ số của tháng trước đó, phản ánh tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp của hoạt động khu vực tư nhân và tháng tăng thứ 2 liên tiếp của doanh thu ngoại thương.

Theo Trading Economics, GDP Quý I/2024 của nền kinh tế Trung Quốc dự báo tăng 0,9% so với Quý IV/2023 và tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Hình 5. Ước tính tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 theo các tổ chức quốc tế. Nguồn: IMF, OECD, UN, WB

Như vậy, các tổ chức quốc tế cùng nhận định kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc trong năm 2023 với mức tăng trưởng ước đạt khoảng 5,2%, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 sẽ chậm lại, đạt khoảng 4,5% – 4,7%.

5. Đông Nam Á

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3” của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), ASEAN+3 được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024 do khu vực bên ngoài được cải thiện sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước. Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức vừa phải vào năm 2024. Nhu cầu trong nước mạnh mẽ tiếp tục củng cố tăng trưởng ở ASEAN+3. Tiêu dùng tư nhân vẫn ổn định nhờ điều kiện thị trường lao động thuận lợi trong bối cảnh lạm phát giảm. Doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ tiếp tục tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi của du lịch và lữ hành. Hoạt động đầu tư đã tăng tốc ở các nền kinh tế ASEAN cùng với sự gia tăng số lượng phê duyệt đầu tư.

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a đạt 4,4%; Ma-lai-xi-a 2,6%; Phi-li-pin 5,9%; Thái Lan 2,8%, Xin-ga-po 1,1%. Tăng trưởng Quý I/2024 so với quý trước của các quốc gia trên lần lượt là -0,5%; 0,9%; 1,1%; 0,8% và 0,8%.

Hình 6. Dự báo tăng trưởng năm 2024 của các quốc gia ASEAN. Nguồn: AMRO

Như vậy, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam được nhận định đứng thứ 3 khu vực, đạt 6,0%, chỉ sau Phi-li-pin (6,3%) và Cam-pu-chia (6,2%). Tăng trưởng của Bru-nây được dự báo thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 2,4%.

6. Việt Nam

Dự báo của UN

Tiêu dùng cá nhân dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực nhờ áp lực lạm phát giảm dần và thị trường lao động ổn định. Việc mở cửa trở lại và lượng khách quốc tế phục hồi giúp tăng cường doanh thu từ du lịch của nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Á, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ. Ngoài ra, một số nền kinh tế đang nỗ lực thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược, thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, UN dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với mức 4,7% của năm 2023.

Dự báo của WB

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 01/2024, WB nhận định sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện hơn nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm. Tiếp nối đà hoạt động kinh tế tích cực kể từ Quý IV/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,08% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi do nhu cầu bên ngoài được cải thiện, tăng 11,1% so với tháng trước và 42,0% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định khi cam kết FDI đạt gần 2,4 tỷ USD trong tháng 01/2024. Giải ngân vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD trong tháng 01/2024, cao hơn 9,6% so với một năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng có thể chưa đạt kỳ vọng do niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Sự gia tăng của chi phí logistics quốc tế đối với thương mại hàng hóa do xung đột Trung Đông, mặc dù mang tính thời điểm tạm thời, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam và sự phục hồi của nền kinh tế. Chênh lệch giữa lãi suất toàn cầu và trong nước có thể gây áp lực lên thị trường ngoại hối. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức 4,7% của năm 2023.

Dự báo của AMRO

Nhu cầu trong nước mạnh mẽ tiếp tục củng cố tăng trưởng ở ASEAN+3. Tiêu dùng tư nhân vẫn ổn định nhờ điều kiện thị trường lao động thuận lợi trong bối cảnh lạm phát thấp hơn. Doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, được hưởng lợi từ sự phục hồi liên tục trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Xuất khẩu hàng hóa của ASEAN+3 dần cải thiện. Nhu cầu hàng hóa từ Hoa Kỳ dần trở lại bình thường cũng có thể tác động tích cực đến xuất khẩu trong khu vực. Du lịch tiếp tục giúp xuất khẩu dịch vụ ASEAN+3 tăng, phản ánh sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Lạm phát có xu hướng giảm cùng với giá hàng hóa toàn cầu, đồng thời giá lương thực cũng giảm do sản lượng tăng trong khu vực. Theo đó, AMRO dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,0% trong năm 2024, cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức 5,1% trong năm 2023.

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý I/2024 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 4,9%.

Hình 7. Ước tính tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 theo một số tổ chức quốc tế. Nguồn: WB, UN và AMRO

Như vậy, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5% – 6,0%.

[1] UN (Tháng 01/2024), “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024”, https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/WESP_2024_Web.pdf, truy cập ngày 18/3/2024.

[2] WB (Tháng 01/2024), “Triển vọng kinh tế toàn cầu”, https://www.worldbank.org/en/publication/global-economic-prospects, truy cập ngày 18/3/2024.

[3] OECD (Tháng 02/2024), “Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế OECD”, https://www.oecd-ilibrary.org/sites/0fd73462-en/index.html?itemId=/content/publication/0fd73462-en, truy cập ngày 18/3/2024.

[4] EU (Tháng 02/2023), “Dự báo kinh tế châu Âu mùa đông 2024: Trì hoãn phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh nới lỏng lạm phát”, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_24_730, truy cập ngày 18/3/2024.

[5] AMRO (Tháng 01/2024), “Cập nhật hàng quý Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3”, https://amro-asia.org/quarterly-update-of-the-asean3-regional-economic-outlook-areo-january-2024/, truy cập ngày 18/3/2024.

[6] WTO (Tháng 3/2024), “Thước đo thương mại hàng hóa tiếp tục cho thấy đà tăng yếu trong thương mại”, https://www.wto.org/english/news_e/news24_e/wtoi_08mar24_e.htm, truy cập ngày 18/3/2024.

[7] FAO (Tháng 02/2024), “Chỉ số giá lương thực thực phẩm”, https://www.fao.org/worldfoodsituation/foodpricesindex/en/, truy cập ngày 18/3/2024.

[8] ILO (Tháng 01/2024), “Triển vọng xiệc làm và xã hội Thế giới: Xu hướng 2024”. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—dgreports/—inst/documents/publication/wcms_908142.pdf, truy cập ngày 18/3/2024.

[9] Khoảng cách việc làm là một chỉ số mới do ILO xây dựng, phản ánh tất cả những người không có việc làm mong muốn tìm việc làm. Chỉ tiêu này cho biết rõ hơn về tình hình việc làm của phụ nữ so với chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp vẫn thường được sử dụng.

Nguồn: https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_869930/lang-en/index.htm#:~:text=A%20new%20indicator%20developed%20by%20the%20ILO%2C%20the%20Jobs%20Gap,more%20commonly%20used%20unemployment%20rate.

[10] Trading Economics (Tháng 12/2023), https://tradingeconomics.com/united-states/forecast truy cập ngày 21/12/2023.

You may also like