Sáng 29/7, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại hệ thống chợ, siêu thị theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn, “Hướng dẫn Phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ” đã được Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng phối hợp xây dựng, ban hành (theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế). Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo sở công thương các tỉnh/TP phổ biến, áp dụng (Công văn số 4353/BCT-TTTN ngày 22/7/2021).
“Hướng dẫn Phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ” áp dụng đối với các địa phương hiện đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng cho các chợ (bao gồm cả chợ đầu mối và chợ bán lẻ).
Hướng dẫn bao gồm các nội dung yêu cầu nhằm bảo đảm công tác phòng dịch tại chợ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan gồm: Đơn vị quản lý chợ; hộ, người kinh doanh, người lao động, khách hàng mua bán tại chợ; UBND các cấp được phân cấp quản lý chợ” – ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện sở công thương các tỉnh, TP đã đưa ra nhiều ý kiến cần giải đáp như: Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, việc thực hiện sẽ triển khai theo cách thức ra sao? Nguồn kinh phí test nhanh của các hộ tiểu thương sẽ được lấy từ nguồn chi nào? Đồng thời, đại biểu cũng có những băn khoăn về việc thực hiện Bản đồ số phòng chống Covid-19; vấn đề truy vết F0, F1, lưu thông, vận chuyển hàng hoá… tới hệ thống chợ truyền thống trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.
Phản hồi thông tin về các ý kiến tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) Trần Anh Dũng nêu rõ, Công văn 5858 chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16. Đối với thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh sao cho phù hợp, thậm chí 1 thẻ có thể đi nhiều chợ, không cố định 1 chợ nhất định. Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 sẽ sử dụng kinh phí nhà nước. Về vấn đề bố trí khu vực cách ly tạm thời, có thể bố trí khu vực bảo đảm giãn cách có khoảng cách tối thiểu trên 2m với các khu vực khác nhằm giảm tiếp xúc.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành; trong quá trình triển khai cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế để công tác phòng chống dịch tại địa bàn nói chung, tại các chợ nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nguồn: Kinh tế đô thị