Ngày 25/6/2022 vừa qua, Hội Luật Gia thành phố Thủ Đức tổ chức hành trình về nguồn thăm quan nhà tưởng niệm Liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu và thăm quan Trận địa pháo – Hầm thủy lôi tại núi Lớn thuộc thành phố Vũng Tàu.
Tham gia hành trình về nguồn lần này có các vị lãnh đạo hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh và Luật gia Võ Thị Kéo – Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Thủ Đức, cùng các Luật gia trong chi hội tại các phường trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Hành trình về nguồn được khởi hành từ Văn phòng hội Luật gia thành phố Thủ Đức lúc 6h30 và điểm đến đầu tiên là nhà tưởng niệm Liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu. Tại đây Đoàn Luật gia thành phố Thủ Đức đã tiến hành dâng hương, dâng hoa và làm lễ tưởng niệm Liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu. Đồng thời Đoàn cũng được nghe về tiểu sử và những chiến công oanh liệt của Chị Võ Thị Sáu. Chị Võ Thị Sáu luôn là tấm gương sáng về lòng yêu nước để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.
Đoàn Luật gia thành phố Thủ Đức cũng dành thời gian thăm quan trận địa pháo cổ trên Núi lớn hay còn gọi là núi Tượng Kỳ. Đây là một ngọn núi cao 245m nằm ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại đây vẫn còn trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương tồn tại nguyên vẹn hơn 100 năm qua. Công trình quân sự này được xây từ cuối thế kỷ 19 và hoàn thành năm 1905, nằm trên đỉnh Núi Lớn, cao 100m so với mặt nước biển. Việc xây dựng, vận chuyển, lắp dựng được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức thủ công, trong đó huy động phần lớn nhân công của tù nhân, dân phu người Việt. Nơi đây đặt 06 khẩu đại pháo, bố trí theo hình vòng cung hướng ra Biển Đông, Các khẩu pháo được đặt trên các bệ pháo được xây âm xuống so với mặt bằng chung, cách nhau 17,5m. Cỡ nòng (đường kính trong) các khẩu pháo này là 240mm. Ở chuôi nòng pháo có ghi rõ thông tin sản xuất (mẫu, trọng lượng) và thông số kỹ thuật của khẩu pháo. Theo đó, 6 khẩu pháo này được sản xuất từ năm 1872 – 1876, trọng lượng từ 15.390kg – 15.764kg. Phía sau mỗi bệ pháo là hầm chứa đạn và hầm pháo thủ, liên kết với nhau bằng một hệ thống giao thông hào. Vật liệu xây dựng được sử dụng là bê tông và đá khối. Phía sau dàn pháo khoảng 20m là hầm chỉ huy pháo binh, được xây dựng như một lô cốt nổi trên mặt đất. Cách trận địa pháo khoảng 200m về phía tây có kho đạn pháo, hay còn gọi là hầm thủy lôi. Đây là 2 đường hầm được đào xuyên vào trong lòng núi. Năm 1944 quân đội Nhật đã dùng hầm này để chứa thủy lôi để phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu. Bên trong hầm thủy lôi, mỗi hầm có diện tích khoảng hơn 100m2. Thời chống Pháp (1945 – 1954), quân và dân Vũng Tàu đã bí mật lấy hàng chục trái thủy lôi (mỗi trái nặng trên 100kg) để chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch.
Trong chuyến đi về nguồn, Đoàn Luật gia thành phố Thủ Đức cũng đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, thành phố Vũng Tàu và đặc biệt là tìm hiểu về lịch sử anh hùng cách mạng của Chị Võ Thị Sáu. Nhờ có chuyến hành trình về nguồn mà đã giúp cho các Luật gia thế hệ trẻ hiểu thêm, hiểu rõ về lịch sử và những chiến công oanh liệt của Chị Võ Thị Sáu và các thế hệ cha anh đi trước đã vì nước quên thân.
# Luật sư Lê Đình Lý