Mỗi chúng ta ai cũng có quê, nhưng “quê” ở đây được hiểu là những vùng nông thôn, xã – huyện, nơi có thể trồng trọt canh tác, chăn nuôi. Vùng ngoại thành, ngoại ô yên tĩnh tránh xa ồn ào tấp nập của phố thị.
Ngày nay không chỉ những người già mới quay về quê hương để tìm sự yên tĩnh, mà cả những người trẻ cũng có xu hướng “bỏ phố” rất nhiều. Đặc biệt khi dịch Covid 19 bùng phát, Quê chính là sự lựa chọn an toàn của khá nhiều người.
Nhưng về quê lập nghiệp liệu có dễ dàng ? Ý kiến cá nhân của người viết đa số những người “Bỏ phố” chia ra ba nhóm người sau :
-
Về quê khi đã đạt được thành tựu nhất định ở phố.
Nhóm người này chiếm tỉ lệ ít, trẻ cũng có nhưng đa số tầm tuổi trung niên hoặc đã về già. Họ về quê khi đã có thời gian dài lao động vất vả đã có chút tích trữ, có kiến thức, kinh nghiệm, lương hưu… Việc về quê đã nằm trong kế hoạch và được chuẩn bị kỹ càng.
Thậm chí việc khởi nghiệp đối với họ không quá khó khăn và nặng nề nữa, một số người coi việc làm cái gì đó ở quê như là một việc giải trí hay làm cho vui. Họ có nguồn thu nhập thụ động từ phố nên cuộc sống không áp lực nữa.
Mục đích về quê vì sức khỏe, tận hưởng cuộc sống, hưởng thụ mà thôi.
-
Người trẻ chủ ý về quê định cư.
Nhóm người này có kiến thức, sức khỏe, chút vốn liếng sau bao năm tích cóp ở phố thị phồn hoa. Bỏ phố về kinh doanh hay làm những công việc online có thể ở bất cứ đâu vẫn đều có thu nhập .
Cái họ mang theo cả bao khát vọng, sức trẻ, muốn cống hiến… Thay vì bon chen nơi xô bồ tấp nập, họ tìm về nơi không khí trong lành, nâng cao chất lượng sống vì sức khỏe. Vừa làm kinh tế vừa được gần gũi gia đình, cuộc sống chậm lại và an yên.
Một số người cho rằng, về quê chỉ đủ sống chứ để làm giàu và nhất là làm giàu từ nông nghiệp ngày nay khá khó khăn và vất vả. Thực tế thì vừa đúng vừa sai, vì thật ra ở đâu cũng có người thành công và chưa thành công phải không ạ ! Nhất là tình hình dịch bệnh như hiện nay, quê trở thành nơi an toàn che chở cho họ khỏi nhiều rủi ro.
-
Người lao động bỏ phố về quê.
Đây là nhóm người có tỉ lệ rời quê cao nhất, nhưng cũng quay về nhiều nhất và hay rơi vào vòng luẩn quẩn giữa việc đi tiếp hay không. Hoặc sẽ chuyển từ “phố” này sang “phố” khác để mưu sinh.
Hầu hết họ rời quê khi thu nhập ở quê bấp bênh, làm nông nghiệp-chăn nuôi không hiệu quả. Rời quê mong muốn kiếm tiền gửi về cho gia đình hay tìm kiếm một cơ hội để phát triển. Nhưng cơn bão Covid ập đến họ chới với bơ vơ, như bị dồn vào đường cùng. Tiến thoái lưỡng nan, trở về dù vẫn phải đối mặt với bao khó khăn khi không chủ động về thu nhập, công việc. Nhưng ở lại thì họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo chết vì Covid hoặc chết vì đói.
Có những người vừa thoát khỏi cửa tử khi đặt chân về mảnh đất quê hương đã nức nở . Rằng dù ở quê có khổ cũng sẽ không đi phố nữa, nhưng liệu sau này khi cuộc sống ở quê lại bí bách, túng quẫn. Liệu thành phố có lại là nơi mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn họ rời quê nữa hay không ?
Viết nhân này người dân tháo chạy khỏi SG lần ba.
Lê Thị Thùy Trang