Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpKinh Tế Việt Nam “Tín nhiệm” tăng, Việt Nam rộng đường tiếp cận thị trường vốn quốc tế

“Tín nhiệm” tăng, Việt Nam rộng đường tiếp cận thị trường vốn quốc tế

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Việc Việt Nam được Moody’s nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam và việc Fitch Ratings nâng triển vọng cho Việt Nam cho thấy kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính-ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ…

Đồng thời giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Từ đó Việt Nam sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn và có thể được tiếp cận với nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn khi được đánh giá là mức độ rủi ro thấp hơn. Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã ghi lại ý kiến nhận định của giới chuyên môn về tác động từ những thay đổi tích cực trên.


DẤU HIỆU KINH TẾ VIỆT NAM ĐANG CẤT CÁNH
Việc xếp hạng tín nhiệm của một nền kinh tế thực chất là đo lường uy tín của Chính phủ trong việc phát hành các công cụ tài chính, chủ yếu là trái phiếu ra thị trường. Nhà đầu tư quốc tế khi họ muốn bỏ tiền ra mua trái phiếu của Chính phủ nước nào, họ cần biết tín nhiệm trái phiếu của Chính phủ nước đó như thế nào, rủi ro vỡ nợ ra sao, để xem trái phiếu huy động có tương ứng rủi ro họ phải gánh chịu hay không…

Khi xếp hạng tín nhiệm càng tăng thì lãi suất Chính phủ phải trả có cơ hội rẻ đi. Điểm lợi đầu tiên khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng điểm tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam lên, nói cách khác là nâng uy tín của Chính phủ Việt Nam lên, là Việt Nam có cơ hội đi vay vốn rẻ hơn. Điều này cũng cho thấy cái nhìn tích cực của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam. Cụ thể hơn là nền kinh tế Việt Nam ngày càng tốt lên trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Có ba nguyên nhân để Fitch nâng triển vọng Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Thứ nhất, nhờ Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát và chống dịch Covid-19, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 và quý I/2021 khi mà phần lớn các nước trong khu vực và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng âm.

Mặc dù việc triển khai chương trình tiêm chủng của Việt Nam khởi đầu chậm chạp, nhưng Fitch vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt khoảng 7% trong các năm 2021 và 2022, phù hợp với sự phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn, mức độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì và sự dần bình thường hóa hoạt động kinh tế trong nước.

Thứ hai, Việt Nam đã cải cách rất hiệu quả về mặt cơ chế, chính sách trong thời gian qua. Thủ tục hành chính được đơn giản hoá, hàng ngàn giấy phép con được cắt bỏ, cơ chế, chính sách trở nên thông thoáng đã khiến cho chất lượng môi trường kinh doanh tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta đã tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, có sức khoẻ tốt hơn, đảm bảo cho độ an toàn về vốn và tín nhiệm trên thị trường tài chính – ngân hàng được cải thiện. Đây cũng là điểm đáng ghi nhận.

Thứ ba, Việt Nam thời gian vừa qua cũng tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt là các ngành có hàm lượng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, từ đó tạo ra triển vọng tốt hơn cho nền kinh tế. Tất cả những điều này làm cho xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng lên là điều dễ hiểu.

Một điểm thú vị là việc nâng tín nhiệm của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng quốc tế công bố đúng thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ của Chính phủ. Điều này giống như một thước đo, đánh dấu thành quả của Chính phủ trước cũng như đặt ra những nền tảng thuận lợi, điều kiện khách quan tích cực để Chính phủ mới có động lực tiếp tục đưa ra những chủ trương, chính sách hiệu quả hơn, đột phá hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam vừa hoàn thành bước chạy đà và sẵn sàng để cất cánh”.

HUY ĐỘNG TỐT HƠN NHƯNG CHI PHÍ VAY ÍT THAY ĐỔI
“Với việc xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings, Việt Nam có thể nâng cao khả năng huy động vốn cũng như đa dạng hóa nguồn huy động vốn trên thị trường quốc tế bởi đây là cơ sở đảm bảo về năng lực tài chính của Việt Nam, đem lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các đối tác chiến lược, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi kinh tế sau cú sốc đại dịch Covid-19.

Việc tổ chức xếp hạng này thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 cũng như trong thời gian tới. Tuy vậy, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn ở mức BB, nghĩa là chi phí vay nợ của Việt Nam sẽ không có thay đổi đáng kể so với trước đây cho dù Việt Nam có thể huy động vốn nhiều hơn.

Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng xếp hạng này chỉ có ý nghĩa ngắn hạn, hay nói cách khác Việt Nam phải liên tục nỗ lực cải cách để tìm cách nâng hạng hoặc ít nhất là duy trì được mức xếp hạng này trong bối cảnh áp lực tài chính hiện nay.

Những rủi ro hiện hữu liên quan tới các vấn đề vốn tồn tại lâu nay tại khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn là một trở ngại cho nền tài chính lành mạnh. Bảo lãnh chính phủ cấp cho các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, chi phí tái cấp vốn khu vực ngân hàng tiềm ẩn và những yếu kém về thể chế cũng đè nặng lên tài chính công. Điều này đòi hỏi những nỗ lực tiếp theo để Việt Nam có nền tài chính mạnh mẽ trong tương lai”.

RỦI RO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VẪN SẼ CHƯA THỂ TĂNG CAO
“Để một Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm (Credit Rating Agency – CRA) quốc tế như S&P, Moody’s và Fitch Rating nâng mức đánh giá là rất thách thức về mặt chuyên môn vĩ mô. Hiện tại, nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới vẫn đang tham chiếu mức tín nhiệm của các CRA này để áp dụng vào định giá cổ phiếu, trái phiếu toàn cầu. Khi xếp hạng tín nhiệm đối với một quốc gia tăng lên thì sẽ làm giảm rủi ro đối với cổ phiếu, trái phiếu của Chính phủ cũng như các tổ chức trong quốc gia đó phát hành, đặc biệt là trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Theo đó, rủi ro giảm làm giảm hệ số chiết khấu trong mô hình định giá, dẫn đến tăng giá trị định giá cho các trái phiếu và cổ phiếu này.

Nhìn chung, kết quả định giá cổ phiếu, trái phiếu cao hơn sẽ không làm tăng giá cổ phiếu trên sàn ngay lập tức mà điều này sẽ tăng tiềm năng tăng giá cho các cổ phiếu và trái phiếu trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Ví dụ, một số quỹ đầu tư đang theo dõi thị trường Việt Nam nhưng do tiềm năng tăng giá chưa đủ hấp dẫn họ hoặc mức xếp hạng tín nhiệm chưa đủ theo yêu cầu của điều lệ quỹ thì việc nâng kết quả đánh giá của các CRA sẽ góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại này.

Đối với thị trường chứng khoán, thông thường khi các CRA xếp hạng càng cao thì mức định giá P/E cũng tốt hơn. So sánh với các thị trường trong khu vực, hệ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam (Fitch Rating BB) ở mức 19.0x lần, thấp hơn Thái Lan (40x lần, Fitch Rating AA+), Indonesia (23.1x lần, Fitch Rating BBB), Phillippines (24.8x lần, Fitch Rating BBB). Do đó, trong tương lai khi xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tiếp tục tốt lên, kỳ vọng mức định giá của thị trường Việt Nam sẽ gần với các nước trong khu vực hơn.

Đối với thị trường trái phiếu, tương tự cổ phiếu, tăng xếp hạng sẽ làm tăng giá trị trái phiếu, điều này khiến lợi suất trái phiếu của Chính phủ Việt Nam và trái phiếu doanh nghiệp giảm, giúp các tổ chức trong nước có thể phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức lãi suất thấp hơn, tăng hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp trong nước.

Việc tăng mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam theo tôi đánh giá sẽ có tác động tích cực lên thị trường các công cụ nợ như trái phiếu hơn là thị trường cổ phiếu. Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế tại các tổ chức tín dụng ngày càng lớn. Khi mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên sẽ giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn. Đối với chính phủ, các khoản nợ công tới hạn cũng như nhu cầu vốn để đẩy mạnh nền kinh tế sẽ dễ thu xếp hơn khi mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Ngoài ra, tôi lưu ý thêm trong báo cáo này, ngoài việc nâng xếp hạng triển vọng, một điểm khác trong đánh giá kèm theo của Fitch Rating mà chúng ta cần quan tâm là đánh giá tích cực của Fitch về tỷ giá ngoại hối. Fitch đánh giá việc gia tăng Dự trữ ngoại hối của Việt Nam gần đây cung cấp cho Ngân hàng trung ương thêm khả năng để ổn định sự biến động của tỷ giá hối đoái. Riêng đối với lo ngại Việt Nam bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định là nước thao túng tiền tệ, Fitch vẫn kỳ vọng hai nước sẽ thảo luận để giải quyết trong vài tháng tới và Fitch không cho rằng điều này sẽ tác động đáng kể đến tài chính đối ngoại của Việt Nam. Do đó, rủi ro thị trường tài chính vẫn sẽ chưa thể tăng cao so với thời điểm trước”.

CẦN THÊM BƯỚC NHẢY VỌT
“Tôi cho rằng, sự nâng hạng hệ số tín nhiệm Fitch của Việt Nam, đã và nên diễn ra sớm hơn. Bởi, một mặt, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất tốt, và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai vẫn rất sáng. Mặt khác, về ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và cải thiện cán cân thương mại, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá tốt nhất trong khu vực châu Á. Thêm vào đó, ngành ngân hàng có những bước tiến vượt bậc trong hai năm vừa qua, đã hỗ trợ và giúp cho Fitch Ratings lên hạng mức BB với triển vọng “Tích cực”.

Tuy nhiên, việc nâng hạng của Fitch không ảnh hưởng tới thị trường vốn của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, bao gồm thị trường trái phiếu, cổ phiếu cũng như các nguồn vốn khác. Lý do bởi chúng ta vẫn ở hạng mức BB, nghĩa là hạng mức chưa được tín nhiệm đầu tư. Chúng ta chỉ cần một bước chân nữa, từ BB lên BBB, rõ ràng nâng mức tín nhiệm lên đầu tư, thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác. Phần lớn tiêu chí đầu tư của tất cả các nhà đầu tư trên thế giới, là sẽ đầu tư vào các nước có tiêu chí đầu tư ổn định. Nhờ đó, vốn của doanh nghiệp trong nước đi huy động nước ngoài, sẽ rẻ hơn rất nhiều, dao động khoảng hơn 30-35%.

Chỉ còn một bước nữa để Việt Nam nâng hạng lên BBB. Thực sự, với các tiêu chí về ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như cán cân thương mại gần đây thay đổi theo hướng cân đối hơn, Việt Nam đã xứng đáng được vào tiêu chí đầu tư BBB. Điều chúng ta cần làm, là liên tục làm việc với Fitch Ratings để họ có thông tin đầy đủ và hiểu hơn về nền kinh tế Việt Nam. Tôi hy vọng, trong vòng một năm nữa, nếu chúng ta làm được điều đó, sẽ là một bước tiến vượt bậc”.

DÒNG VỐN NGOẠI SẼ CHẢY VÀO THỊ TRƯỜNG TỪ NỬA CUỐI NĂM 2021
“Tuần qua vào ngày 1/4/2021, Fitch Ratings đã ra báo cáo đánh giá và xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Trong đó, mặc dù vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với nợ vay dài hạn vay bằng ngoại tệ của Việt Nam ở mức BB nhưng tổ chức này đã nâng cấp triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ ổn định sang tích cực. Đánh chú ý, trước đó 2 tuần, vào ngày 18/3/2021, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s cũng đã thay đổi triển vọng của Việt Nam từ tiêu cực sang tích cực.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo tích cực từ các cấp chính quyền, Việt Nam là một trong những ví dụ hiếm hoi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa có thể kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa có thể duy trì tăng trưởng kinh tế dương ở mức 2,9% trong năm 2020. Điều này theo đánh giá bởi cả 2 tổ chức – Fitch Ratings và Moodys’, là yếu tố tích cực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2021 và là một trong những yếu tố chính cho việc nâng cấp triển vọng của Việt Nam trong kỳ đánh giá này.

Cán cân thương mại cũng là một trong những yếu tố mà Fitch Ratings dùng làm cơ sở để nâng triển vọng của Việt Nam trong lần đánh giá này. Việc xuất khẩu tăng +7% trong năm 2020 bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu, đã giúp Việt Nam duy trì được thặng dư cán cân thương mại ở mức 3,6% GDP. Theo Fitch Ratings, yếu tố này của Việt Nam tốt hơn rất nhiều (outperform) so với các quốc gia có cùng mức xếp hạng tín nhiệm BB – số liệu tại trung vị cho thấy thâm hụt thương mại tương đương -1,7% GDP.

Cũng trong báo cáo lần này, Fitch Ratings cho rằng các nỗ lực của Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, ổn định nợ trong trung hạn sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, việc được nâng hạng là một tín hiệu khá tích cực về sự cải thiện chất lượng thị trường và sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ các quỹ được lập ra để tracking hoặc benchmarking theo các chỉ số chỉ riêng về Việt Nam như FTSE Vietnam Index hoặc FTSE Vietnam 30 Index”.

Lam Giang – Tú Uyên – Đặng Hương – VNECONOMY

You may also like