« Số mệnh con người do đâu ?
« Nghiệp và Nhân Qủa.
« Cải số mệnh được không ?.
« Muốn cải số mệnh phải làm sao ?.
« Vài trường hợp cải được và không cải được .
Người xưa bảo : “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định” (Ăn uống, cử động đều đã định trước); “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” (Mưu tính nơi người mà thành bại do Trời).
Người xưa lại bảo :”Đức năng thắng số” (Phúc Đức có thể thắng số Mệnh); “Nhân lực thắng Thiên” (khả năng con người có thể cải số Trời) …
Hai lập luận trên đây tương đối mâu thuẫn, mà từ lâu chúng ta còn phân vân, không rõ luận thuyết nào đúng hơn, vì mỗi luận thuyết đều có những sự tích chứng minh. Như bảo số mệnh do Trời thì có những người số chết đói, chết đuối dù có né tránh, rốt cuộc vẫn chết đói, chết đuối. Còn bảo Đức năng thăng số thì cũng có những trường hợp đáng lẽ phải chết đói, chết yểu, mà nhờ biết tu tỉnh, làm nhiều âm đức, được thoát chết, sống lâu, lại khá giả chẳng hạn.
Vây luận thuyết nào đúng hơn ?… Chúng tôi xin có đôi lời góp ý cùng qúy bạn.
Số mệnh con người, do đâu ?
Con người được hình thành bởi hai phần chính : thể xác do cha mẹ sinh ra và linh hồn tiếp nhận nơi tạo hóa, và linh hồn là Tiểu Linh Quang trong khối Đại Linh Quang của Tạo hóa. Vậy con người là một Tiểu Thiên địa, hay một Tiểu Vũ Trụ.
Nhưng, phải chăng Tạo hóa bất công, khiến con người có kẻ giàu sang, sung sướng, người lại nghèo hèn, khốn khổ, dù cùng sinh ra trên một dãy đất, trong một gia đình, hoặc cùng một năm, thàng, ngày, giờ với nhau ?.
– Chắc hẳn không phải thế .
Các tôn giáo và hầu hết loài người đều tin rằng có Thượng đế, chúa tể Càn Khôn, cầm quyền thưởng phạt muôn loài.
Nhưng tôi thiết nghĩ, tuy Thượng đế là đấng Chí tôn, quyền năng vô hạn, nhưng cạnh Ngài còn có một cái “Luật” mà Lão-Tử tạm dùng chữ “ĐẠO” để gọi, Đó là luật trời hay Thiên lý, mà Thượng đế tuân theo, để điều hành vũ trụ (cũng như một quốc gia, tuy vị nguyên thủ là trên hết, nhưng vẫn phải tuân theo hiến pháp).
Do đó, sở dĩ có kẻ sướng, người khổ là do số mệnh an bài, nhưng số mệnh chẳng phải do “ông trời” hay các vị Thánh Thần sắp đặt, cho người này giàu, bắt người kia nghèo, mà là do “NGHIỆP” (Karma) của chính con người, tức luật Nhân-Qủa.
Nghiệp và luật Nhân-Qủa
Không ai có thể biết được con người có từ bao giờ, trải qua bao nhiêu kiếp, nhưng theo thuyết luân hồi thì hẳn đã qúa nhiều !.
Mỗi kiếp, con người đã làm bao nhiêu điều lành lẫn điều dữ, phước có, tội có năm này tháng nọ chất chồng, có khi chưa chịu thưởng phạt đúng mức đã mãn số, lại luân hồi kiếp mới để “trả đũa” cũ và tạo thêm “Nhân” mới
Bởi thế mà trong lá số Tử-Vi của một người, có những sao tốt, sao xấu lẫn lộn, cung này cung nọ liên quan chằng chịt nhau, biểu hiện cái “Nghiệp” của người ấy, như bóng với hình, mà trong đó Vận Hạn là con đường bắt buộc cá nhân phải trải qua để trả Nghiệp cũ (thưởng lẫn phạt) đồng thời tạo Nghiệp mới. Nghiệp có lành có dữ, thì Vận số có tốt có xấu. Vận tốt thì được thụ hưởng giàu sang sung sướng, vận xấu thì chịu nghèo hèn, hoạn nạn, nhưng cán cân nghiệp lành, nghiệp dữ không đều, thì vận số cũng không đều nhau, do đó HỌA và PHÚC lẫn lộn hoặc nhiều hoặc ít, chẳng hạn tuy giàu sang mà đau ốm, vợ chồng cắn đắng, con cái hư hỏng, hay ngược lại tuy nghèo khổ mà ít nạn tai, vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu thảo …..
– Nhờ Đức tin và lòng thành, tức những người tiền căn, hiện kiếp có sự liên quan, giao cảm với cõi Trung giới hay cõi Âm, nay vận hạn tuy xấu, gặp hoạn nạn, nhưng ăn ở hiền lành ngay thật, lại có đức tin và lòng thành ắt được Thánh Thần và các vong linh quá vãng phù trợ, thấy dữ hóa lành.
– Mồ mả tổ tiên, phúc đức hay tội lỗi của ông bà, cha mẹ … cũng ảnh hưởng ít nhiều đến vận số con người. Ví dụ : Vận mạng đang xấu, có ông cha quá vãng an táng nơi đất kết phát thì có ảnh hưởng tốt. Hoặc biết con cái số phải long đong mà cha mẹ biết làm phúc, tích đức thì con cái được nhờ, sớm thì hiện tại, chậm thì tương lai.
– Ngoài ra, vấn đề chỗ ở, nhà cửa, bếp núc cũng có ảnh hưởng một phần nào vào vận số con người.. Chẳng hạn như số mệnh đã tốt mà chỗ ở cũng được vùng đất tốt, nhà cửa bếp núc day đúng phương hướng với mạng, thì sự tốt tăng thêm. Nếu vận hạn xấu mà dời chỗ ở cho hạp phong thủy, nhà, bếp day hướng tốt hạp với cung mạng của mình thì cũng đỡ được khá nhiều.
Để tạm kết luận bài này, tôi xin thưa cùng qúy bạn rằng : Chúng ta nằm trong “quỹ đạo” của Nghiệp, chi phối bởi số mệnh, cho nên số mệnh vẫn là số mệnh. Chúng ta tìm hiểu số mệnh để ăn ở, hành động hợp với số mệnh hay Thiên lý, để lánh dữ tìm lành. Chúng ta đừng tự phụ bảo rằng cải được số mệnh bằng tài sức và mưu trí, đã vô ích mà còn nẵng nghiệp hơn đấy.
Nếu chúng ta có một định số kém sáng sủa, chúng ta cũng chớ qúa bi quan, phó mặc cho Hóa Công, tới đâu hay tới đó, rồi cái gì cũng số, cái gì cũng Mệnh ! Không làm gì cả, cũng vô ích. Mà chúng ta phải cố công bồi tu Âm Đức để hóa giải Nghiệp cũ (tùy theo cán cân ĐỨC & SỐ). Ví dụ phúc đức tạo ra chưa đủ đền bù Nghiệp cũ qúa nặng, chúng ta có thể hãnh diện rằng đã gieo được “Nhân” lành, mà khi Nghiệp cũ trả xong, chắc chắn “Quả” lành sẽ đến.
Về phương diện “Tích cực” phức tạp hơn, nhưng tựu trung là cố gắng làm nhiều việc “Âm Đức” để hóa giải các nghiệp nặng. Nhưng phải thật thành tâm, đầy thiện ý, hành động một cách tự nhiên theo lương tâm không tính vụ lợi, không cầu danh thì việc làm tuy nhỏ mà có khi Âm Đức lại to. Chứ không phải ỷ có nhiều tiền, vung tiền của phi nghĩa ra, gọi là cho bố thí, làm phước, để được khen ngợi, ca tụng, hoặc giả làm lấy có, lấy lệ, cùng chùa, lễ Phật, giải sao hạn …. Tuy là những việc làm có tính cách từ thiện, cũng hay, cũng là những “Nhân” lành, song chưa thể gọi là “Âm Đức” được. Vì Tạo hóa chí công vô tư, hẳn không vì nhiều tiền mà cho nhiều phúc, còn ít tiền lại cho ít phúc hay sao ?.
Tôi xin đơn cử vài việc làm có tính cách Âm Đức. Như thấy vợ chồng người ta xích mích, định lìa bỏ nhau, mình cố công khuyên bảo, trợ giúp cho họ hòa hiệp, sống chung lại; Thấy người chết đuối, mình chẳng ngại nguy hiểm, cứu vớt người ta sống lại; Thấy người nguy kịch, động lòng trắc ẩn, mình tận tâm giúp đỡ, có bao nhiêu giúp bấy nhiêu, mà không nghĩ đến sự đền bồi, hay được người ca tụng ….. như thế mới gọi là “Âm Đức”, có tác động mạnh đến “Nghiệp”, cảm động lòng trời, mới có ảnh hưởng ngay vào số mệnh và vận hạn (như câu chuyện số mệnh chẳng hạn)
Cũng xin lưu ý quý bạn là chính ta mới có thể tự cải số chúng ta mà thôi. Ngoài ta ra, không ai cải số giùm ta được, kể cả các đấng vô hình.
Leo Robotly sưu tầm từ AHD AND THE LAW