Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Văn Hóa - Xã Hội Một góc Làng Lại Yên – Đồng Ốc

Một góc Làng Lại Yên – Đồng Ốc

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Làng (cũng là xã Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội), còn có tên là Đồng Ốc, năm ven con đầm lớn (rộng khoảng 40 mẫu), từ Tiền Lệ, Phương Bảng ở ven sông Đáy theo qua các làng Xống (xã An Khánh ngày nay), xuống Ngà (khu vực Cầu Ngà thuộc quận Nam Từ Liêm) ra sông Nhuệ. Con đầm này có thể là một nhánh của sông Đáy bị chết hay là dòng xoáy của đoạn đê vỡ từ Tiền Lệ xuống. Trước năm 1937, khi chưa đắp đập Phùng, đầm làng là tuyến đường thủy rất thuận lợi. Khi đập Phùng được đắp, dòng sông Đáy hẹp và cạn dần nên đầm không còn tác dụng giao thông như cũ. Hiện nay, ngoài nuôi cá, phục vụ trồng lúa và rau màu, đầm còn đem lại vẻ đẹp nên thơ, vừa điều hòa môi trường, tạo sự trong lành, mát mẻ cho làng quê. Mỗi khi có giặc giã, trộm cướp xâm phạm, đầm trở thành một “áo giáp” bảo vệ làng. Hiện nay đầm vẫn được giữ sạch sẽ với quy ước rất nghiêm ngặt.

Hình ảnh làng Lại Yên – Hoài Đức – Hà Nội do PGS.TS Bùi  Xuân Đính chụp.

Lại Yên có một hệ thống di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử. Trước hết là Kính Thiên đài – ngôi quán thờ Thiên thần (Chí Minh đại vương). Tương truyền từ thuở lớp cư dân đầu tiên từ Tiền Liệt (Tiền Lệ) xuống khai phá đất đai, tạo dựng làng xóm, tại một ngôi miếu lợp tranh, vào một đêm vắng lặng, trời tối đen như mực, bỗng từ trên trời phát ra ba luồng ánh sáng rực rỡ như ba tấm lụa bạch lấp lánh rủ ruống khu đất; sau đó, nước ở đầm làng nổi lên từng đợt sóng lớn. Dân coi đây là hiện tượng thiên thần giáng thế, là sự linh ứng của trời đất, bèn lập nên một ngôi miếu tranh, lấy chữ “Nhật” và chữ “Nguyệt” thành chữ “Minh” đặt tên cho vị thần để thờ phụng.

Vào năm Bính Thìn – 1016, Vua Lý Thái Tổ trên đường đi du ngoạn, thấy nơi đây phong cảnh có vẻ đẹp huyền bí và thiêng liêng đã ghé lại thăm và phong sắc thần với danh hiệu là “Chí Minh Đại vương”. Các đời vua Lý tiếp theo đã phong sắc cho thần. Thời Trần, Vua Trần Minh Tông từng về quán Kinh Thiên đài để cầu tự. Năm Nhâm Thân – 1312, nhân nhà Trần đánh thắng Chiêm Thành, đã sai Trần Quốc Chẩn ban sắc cho thần và sai Nguyễn Trung Ngạn soạn văn bia ca ngợi thần. Trong quán hiện còn tấm bia Gia Long thứ 13 (Giáp Tuất, 1814) ghi lại sự kiện trên và bia ghi việc các triều vua phong sắc cho thần.

Quán Lại Yên là một công trình kiến trúc có quy mô rất to lớn, bao gồm nhiều hạng mục: cổng tam quan, đại bái, trung cung và hậu cung. Quán tọa lạc ở một vị thế cảnh quan đẹp, trên bến dưới thuyền, giữa trung tâm làng, thuận tiện cho việc thờ cúng và tham quan, nghiên cứu. Hệ thống cột trụ, tường bao soi bóng xuống con ngòi dẫn nước từ Phương Bảng xuống giữa làng và giếng nước.

Làng Lại Yên hiện còn 4 ngôi chùa, mỗi chùa có lịch sử vị trí khác nhau trong đời sống tâm linh của dân làng, trong đó, lớn nhất là chùa Nhạ Phúc. Tương truyền, vào năm Hưng Long đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314), thôn Đồng Ốc có một người con gái tài ba, nhan sắc được tuyển vào cung. Bà được vua Trần yêu mến lấy làm phi thứ sáu (Áp Nha công chúa). Ở trong cung một thời gian mà vẫn chưa có con nên Áp Nha công chúa cùng vua tới chùa Thầy cầu tự, trên đường đi dừng lại làm lễ ở miếu Kính Thiên Đài ở quê nhà. Sau lần đó, phi thụ thai, sinh được một người con gái đặt tên là công chúa Thắng Đức. Công chúa lớn lên mộ đạo Phât, không lấy chồng, xin với vua cha cho về tu hành ở quê mẹ.

Hình ảnh Tổ đình chùa Nhạ Phúc do PGS.TS Bùi  Xuân Đính chụp.

Lúc này ở thôn Đồng Ốc đã có hai chùa là chùa Mục Đồng và chùa Đồng Giá. Vua Trần chiều lòng con gái đã cắt cử các quan về chính Đồng Ốc xây dựng một ngôi chùa lớn, gọi là Áp Nha Thiền tự, để công chúa tu hành. Trong chùa hiện còn 30 bia đá từ năm Thịnh Đức thứ ba (năm 1655), đến các niên hiệu Long Đức (1732-1734), Cảnh Hưng (1740-1786), có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt về lịch sử văn hóa và làng xã.

Hàng năm vào mùng 9 tháng Giêng, ngày Công chúa Thắng Đức viên tịch, dân làng Lại Yên mở hội chùa, tổ chức rước lễ linh đình. Sau đó, tổ chức hội đình từ mồng 9 đến ngày 16. Đình làng Lại được dựng vào tháng Mười năm Đinh Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh (khoảng tháng 11/ 1717), với sự hưng công của Quận công Phạm Đôn Nghị cùng cậu ruột là Quận công Phạm Mẫn Trực (hàng nóc đình hiện còn hàng chữ Hán “Đinh Dậu niên, Mạnh Đông, Cốc nhật, Phạm Công tạo”. Đình nhìn hướng Đông Nam, cấu trúc “chữ Đinh”. Tòa đại đình năm gian hai chái, cửa gian giữa lùi vào một mét. Gian giữa Bức cửa võng và một sô mảng điêu khắc ở hai gian biên mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê, đầu thế kỷ XVIII. Ngoài ban thờ thành hoàng ở gian giữa, tại hai gian đầu hồi còn có ban thờ hai vị quận công có công đóng góp với làng (ban bên hồi Đông hay phía Đằng Gạo thờ Phạm Mẫn Trực; ban bên hồi Tây hay phía Đằng Chợ thờ Phạm Đôn Nghị). Rất tiếc vào năm 2016, tác giả đến khảo sát, đình bị xuống cấp nghiêm trọng (tác giả không lưu được ảnh của đình).

Làng Lại Yên cón lưu được 3 lăng đá:

Lăng đá xóm Chợ (Huệ Linh từ): được xây dựng để thờ ông Phạm Mẫn Trực (1658 – ? ngày giỗ là 11 tháng Năm). Ông là võ quan trong quân tượng binh của nhà vua; lập nhiều công, từng đi trấn ải Ai Lao, được phong tước Quận công. Đối với làng, ông hiến cho làng 500 quan tiền, 3 chiếc chiêng đồng, 28 mẫu ruộng, 22 “dật” vàng bạc và gỗ lim để làng tu bổ quán thờ thành hoàng, dựng đình làng, dựng cầu Khum bắc qua con ngòi chảy xuống Cầu Ngà.

Lăng đá xóm Gạo (Hiển Linh từ): thờ Phạm Đôn Nghị – cháu gọi Phạm Mẫn Trực là cậu, cùng cậu đầu quân vào đội tượng binh nhà vua, lập được nhiều công lao, được phong tước Quận công. Ông giúp dân tiền, gạo để làm đình… Ngày giỗ của ông là 30 tháng Năm.

Hình ảnh Lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị do PGS.TS Bùi  Xuân Đính chụp.

Lăng đá Mả Hương, là lăng mộ của ông Phạm Nguyễn công (1685- 1728), tên chính là Phạm Thân Lập; gốc họ Nguyễn, sau làm con nuôi và là tiểu tướng của quận công Phạm Mẫn Trực nên đổi theo họ cha nuôi và lấy họ Nguyễn của mình làm tên đệm. Ông cùng cha nuôi trấn ải ở nhiều vùng miền núi, biên giới; lập được nhiều công lao; chức quan ghi trên bia mộ là “Tổng Thái giám, Tham đốc, Lĩnh Đề đốc”, tước Ký Thọ hầu. Ông còn hiến cho làng 17 mẫu ruộng, đóng góp vào việc tu bổ chùa Thiên Bảo và quán Kính Thiên Đài.Lăng được dựng vào năm Long Đức thứ ba (Giáp Dần, 1734).

Làng Lại Yên thật là địa chỉ đáng đến tham quan cho du khách.

Tác giả: PGS.TS Bùi Xuân Đính

 

 

 

 

You may also like