Trong trạng thái bình thường mới đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Việc khai thác tối đa những lợi ích từ tiếp thị trực tuyến để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất bằng việc cập nhật các xu hướng, công nghệ và giải pháp tiếp thị sẽ giúp các DN “ngược dòng” ngoạn mục sau đại dịch Covid-19.
Thương mại xã hội là xu hướng tất yếu
Đưa ra những cập nhật mới về xu hướng mua sắm tiêu dùng của thế giới cũng như Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Hưng, Giám đốc khách hàng chiến lược Công ty CP Mạng trực tuyến META chỉ ra 5 xu hướng sẽ trở nên phổ biến trong những năm tiếp theo. Bao gồm thực tế ảo và thực tế tăng cường; thương mại xã hội; ngày hội mua sắm; sáng tạo nội dung và video trên mạng xã hội.
Theo ông Hưng, thương mại xã hội sẽ là xu hướng tất yếu trong năm 2022, bởi trên thực tế, việc kinh doanh mua sắm mang tính xã hội có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng khám phá các sản phẩm họ yêu thích thông qua các bản tin, trang News Feed và từ đây họ kì vọng có thể tìm kiếm được sản phẩm phù hợp cho mình. “Nếu DN duy trì được việc giao tiếp với khách hàng sẽ là chìa khóa để tạo tăng trưởng cho DN. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1/2 số giao dịch đã được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các đơn hàng trên mạng xã hội đang tăng gấp đôi so với các kênh truyền thống”, ông Hưng cho biết.
Phân tích về tâm lý mua sắm của người tiêu dùng tác động đến chiến lược kinh doanh của các DN, ông Lê Hoàng Long, Quản lý tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa được khả quan, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
“Để trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch cần khoảng thời gian hơn 1 năm, nhất là thời điểm này chưa thể đoán trước được đại dịch khi nào mới kết thúc, bởi những biến chủng mới vẫn còn có khả năng xuất hiện bất cứ lúc nào. Với những nguy cơ đó, nếu nhận định được những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ giúp DN tồn tại và phát triển”, ông Long nhìn nhận.
Đưa ra chiến lược về mặt sản phẩm, ông Long cho rằng DN cần tập trung vào các sản phẩm thiết thực nhất và nên cắt giảm những nhóm hàng không thực sự cần thiết. DN cũng cần lưu ý đến một bộ phận khách hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch nên họ có thể mua sắm mạnh hơn so với bình thường, bởi nhóm khách hàng này thường dành một khoản chi tiêu nhất định cho nhu cầu du lịch, nhưng hiện dịch vụ này còn đang khó khăn nên khoản chi tiêu này sẽ được chuyển sang mua sắm hàng hóa có giá trị.
Đánh giá về các mô hình kinh doanh trong thời gian tới, ông Long nhận định các kênh mua sắm trực tuyến, các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích sẽ tiếp tục đem lại sự tăng trưởng cao trong thời gian tới. Các mô hình này đã và đang tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng đúng thời thế cũng như được trợ lực từ những chương trình mở rộng chuỗi bán lẻ của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
“Người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả. Họ sẽ có tâm lý đi “săn” những chương trình khuyến mại, chương trình giảm giá. Xu hướng này sẽ đẩy các nhà bán hàng vào cuộc đua cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi, vì thế DN cần có chiến thuật tạo ra các trải nghiệm cho khách hàng để vượt qua tình trạng “bão giá”. Nếu làm được điều này, các DN hoàn toàn có thể hi vọng tăng trưởng sau đại dịch”, ông Long khuyến nghị.
Doanh nghiệp chuyển mình trên môi trường mới
Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 cũng cho thấy, những tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của DN, tới hành vi tiêu dùng sẽ giúp các DN nhìn ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số cũng như môi trường trực tuyến để nhanh chóng chuyển mình đáp ứng nhu cầu phát triển. Cùng với đó, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả cho công tác tiếp thị trực tuyến trong giai đoạn bình thường mới, sẽ giúp các DN vừa và nhỏ kinh doanh dễ dàng và tăng trưởng nhanh hơn sau đại dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho rằng, TMĐT được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch Covid-19, Hiệp hội cũng đã tương tác với rất nhiều Hiệp hội, ban ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về TMĐT. Với tiêu chí “Làm cho TMĐT trở nên dễ dàng hơn”, VECOM mong muốn mang đến sự hỗ trợ DN truyền thống tiến vào TMĐT một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Sự thay đổi to lớn từ 1 trong các mạng xã hội như Facebook đã thu hút lượng lớn người dùng, là yếu tố tốt tích cực để phát triển thêm các nền tảng tiếp thị, đây cũng là làn gió mới phản ánh bước chuyển lớn vào lĩnh vực công nghệ. Các mô hình kinh doanh sáng tạo đổi mới dựa trên nền tảng Blockchain, cũng như cách tiếp thị cho dự án để tăng trưởng cả về kinh doanh và đầu tư của DN sẽ tạo nên thành công cho tiếp thị và quảng cáo nếu các DN biết tận dụng sức mạnh và khai thác đúng cách”, ông Dũng tin tưởng.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thuật ngữ về TMĐT, tiếp thị trực tuyến trở nên vô cùng phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các DN cần mau chóng chuyển mình. Theo báo cáo Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người.
“Con số trên cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các DN cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Tiếp thị trực tuyến sẽ góp phần thiết thực hỗ trợ các DN triển khai kinh doanh trực tuyến thành công, phục hồi và nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19”, bà Lại Việt Anh chỉ rõ./.
Nguồn :Nguyễn Quỳnh/VOV.VN