Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpHọc Viện Doanh Nhân Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững (phần 2)

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững (phần 2)

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Hiện nay, công nghệ thông tin đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận hành và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hệ thống Toàn cầu (PIK), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing) sẽ tiêu thụ khoảng 13% tổng năng lượng điện toàn cầu vào năm 2030, gấp ba lần so với năm 2018.

Bản tin thị trường

Bản tin thị trường

1. Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam

Theo báo cáo của FPT Digital năm 2023, các công nghệ chủ chốt như Điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) và An ninh mạng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025. Cụ thể:

Internet vạn vật (IoT)

Internet vạn vật (IoT) là một trong những công nghệ chủ chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới năm 2021, IoT là công nghệ được áp dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, trải rộng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, nhà ở thông minh, y tế và sản xuất công nghiệp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, IoT đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng nông nghiệp thông minh và canh tác chính xác. Việt Nam nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như cà phê, lúa gạo, bông, đậu phộng, mía đường và trà. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2021, mặc dù các loại cây trồng này đóng vai trò quan trọng, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quy trình thủ công, đặc biệt là trong các khâu đóng gói, thu hoạch, kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh. Tuy nhiên, đã có một số công nghệ tiên tiến hơn được sử dụng trong khâu tưới tiêu và lưu trữ. Trong đó, công nghệ lưu trữ được sử dụng phổ biến nhất là các thiết bị cho phép kiểm soát môi trường lạnh hoặc khô (74%). Để tưới tiêu, 44% các trang trại sử dụng máy bơm nhỏ, trong khi 40% các trang trại sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới cục bộ. Những công nghệ này đã giúp tăng cường hiệu quả canh tác và cải thiện sản lượng cây trồng.

Sản xuất công nghiệp cũng được dự đoán sẽ trở thành một trong hai lĩnh vực được ứng dụng IoT phổ biến nhất vào năm 2025. Một ứng dụng nổi bật là việc số hóa các nhà máy sản xuất thông qua lắp đặt cảm biến IoT trong các dây chuyền để thu thập dữ liệu theo thời gian thực về hiệu suất máy móc, tốc độ sản xuất và yêu cầu bảo dưỡng, giúp dự báo nhu cầu bảo dưỡng, tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm thời gian ngưng hoạt động của máy móc. Bên cạnh đó, công nghệ IoT cũng cho phép điều khiển và giám sát từ xa các quy trình sản xuất. Những công nghệ này giúp các nhà quản lý giám sát hoạt động để kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp, từ đó giúp nâng cao hiệu suất và giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, các giải pháp IoT cũng cho phép cảnh báo tự động về tình trạng và chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống cảm biến được cài đặt trong thiết bị giúp phát hiện sai sót hoặc vấn đề về chất lượng, kích hoạt cảnh báo để tiến hành những biện pháp kịp thời, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu lãng phí. IoT hỗ trợ quản lý hàng tồn kho bằng cách cung cấp khả năng hiển thị theo thời gian thực về mức tồn kho, cho phép dự đoán nhu cầu chính xác và giảm thiểu lượng hàng tồn kho không cần thiết.

Ở lĩnh vực Y tế, IoT đóng vai trò mang tính cách mạng, đặc biệt trong việc giám sát và chẩn đoán sức khỏe. Ứng dụng nổi bật có thể kể đến là việc sử dụng các thiết bị đeo, như đồng hồ thông minh và thiết bị theo dõi sức khỏe để ghi lại các dấu hiệu sinh lý, hoạt động thể chất và thói quen giấc ngủ của người dùng, giúp bệnh nhân kiểm soát sức khỏe của mình và hỗtrợ các chuyên gia trong việc giám sát bệnh nhân từ xa. Ngoài ra, các thiết bị cấy ghép y tế được trang bị IoT cũng đã xuất hiện, hỗ trợ trong việc theo dõi những dữ liệu sức khỏe quan trọng một cách thường xuyên. Những thiết bị như bộ điều nhịp thông minh hoặc bơm insulin, cho phép cá nhân hóa việc điều trị và giúp can thiệp kịp thời khi có sự cố. Hơn nữa, IoT cũng đã tạo điều kiện cho việc kết nối các thiết bị chẩn đoán thông qua Bluetooth hoặc Wifi, cho phép truyền dữ liệu sức khỏe đến các cơ sở y tế. Điều này giúp nâng cao hiệu quả của quá trình chẩn đoán và tạo điều kiện cho việc tư vấn từ xa. Với những ứng dụng này, IoT đã mở đường cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe mang tính cá nhân hóa và có tính kết nối hơn.

Điện toán đám mây

So với thế giới, Việt Nam được coi là nước đang phát triển với vị trí thứ 53 trên tổng số 76 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Hệ sinh thái Đám mây năm 2022. Công nghệ này được áp dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực chủ chốt khác nhau của nền kinh tế như tài chính & ngân hàng, sản xuất, bán lẻ cho đến ngành công nghệ thông tin.

Trong lĩnh vực tài chính & ngân hàng, điện toán đám mây đã tạo ra cuộc cách mạng thông qua việc cho phép truy cập trực tiếp vào dữ liệu được lưu trữ trên đám mây, cung cấp nền tảng an toàn và mở rộng để lưu trữ, xử lý dữ liệu tài chính.

Điện toán đám mây cũng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện cho việc truy cập trực tiếp vào dữ liệu lưu trữ trên đám mây cũng như sự chuyển đổi về mọi mặt của quy trình sản xuất.

Điện toán đám mây cũng được ứng dụng trong ngành bán lẻ, cụ thể là thông qua việc áp dụng đồng bộ dữ liệu trung tâm trên hệ thống. Trước đây, các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn trong việc quản lý và cập nhật dữ liệu từ các vị trí khác nhau, dẫn đến sự không nhất quán và thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, với điện toán đám mây, các nhà bán lẻ hiện có thể tập trung lưu trữ dữ liệu theo thời gian thực và đồng bộ trên các hệ thống và từ các địa điểm khác nhau.

Đối với ngành công nghệ thông tin, điện toán đám mây cho phép quản lý và xử lý khối lượng lớn dữ liệu cá nhân, đồng thời tích hợp giải pháp an toàn, bảo mật

Một số công nghệ khác

Trong ngành may mặc, phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng phương pháp thiết kế và vận hành máy móc thủ công để may đo sản phẩm. Mức độ chuyển đổi số cao nhất ở thời điểm hiện tại là 80% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ Thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD) hoặc công nghệ in 3D ở giai đoạn thiết kế.

Những công nghệ này cho phép các quy trình phát triển sản phẩm được thực hiện hiệu quả và chính xác. Các nhà thiết kế có thể tạo ra mô hình thực tế ảo, trực quan hóa thiết kế và thực hiện sửa đổi trước khi sản xuất số lượng lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sử dụng hệ thống “máy may bán tự động“, có thể kết hợp giữa tự động hóa máy móc với các kỹ năng của con người để tối ưu hóa quy trình may, từ đó nâng cao năng suất và giảm thiểu sai sót. Tương tự như ngành may mặc, hầu hết các cơ sở sản xuất ngành da giày đều sử dụng các phương pháp cơ bản, thủ công. Trong đó, công đoạn có mức độ chuyển đổi số cao nhất là thiết kế. Rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm vẽ 2D như AI, CorelDRAW hoặc Sketch để thiết kế sản phẩm da và giày dép, nhằm tinh giản quy trình thiết kế và nâng cao khả năng sáng tạo. Bằng cách ứng dụng những công nghệ hiện đại nêu trên, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước cải tiến đáng kể về năng suất, năng lực thiết kế, từ đó duy trì sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Trong ngành dược phẩm, rất nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng các công nghệ số hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Dựa trên kết quả khảo sát của FPT Digital 2023, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số cao nhất là trong quá trình đóng gói, cân, phân phối và hệ thống cơ sở vật chất. Một số doanh nghiệp đã triển khai các hệ thống lọc không khí HEPA (High-Efficiency Particulate Air) hoặc siêu HEPA (Ultra High-Efficiency Particulate Air) trong các cơ sở sản xuất để duy trì môi trường vô trùng. Các công nghệ lọc tiên tiến này giúp loại bỏ hiệu quả các chất gây ô nhiễm, đảm bảo an toàn và giữ gìn tính nguyên bản cho các sản phẩm dược. Ngoài ra, cân điện tử và hệ thống tự động được sử dụng để tính toán chính xác trọng lượng và liều lượng, nâng cao độ chính xác và giảm sai sót từ con người trong quá trình sản xuất dược phẩm. Bên cạnh đó, các các dây chuyền đóng gói tự động cũng được áp dụng rộng rãi để tối ưu quy trình đóng gói. Tất cả các công nghệ trên đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo chất lượng dược phẩm và quá trình sản xuất an toàn.

Bảng 1: Các công nghệ chuyển đổi Kép

Các công nghệ xanh Các công nghệ s
Giảm ô nhiễm không khi và nguồn nước Công nghệ chế tạo đắp dần, sản xuất đắp lớp (Additive manufacturing)
Quản lý chất thài Trí tuệ nhân tạo
Công nghệ ứng phó liên quan đến nước Thực tế ảo
Năng lượng gió Robot tự động hóa
Năng lượng mặt trời Phương tiện tự động hóa
Năng lượng địa nhiệt Công nghệ chuỗi – khối (Blockchain)
Năng lượng biển vả thủy điện Điện toán đám mây
Giao thông xanh An ninh mạng
Nhiên liệu sinh học Máy tính lượng tử
Công nghệ pin Lưới điện thông minh
Năng lượng hạt nhân Internet vạn vật
Các công nghệ lưu trữ năng lượng khác  
Công nghệ Hydro  
Công nghệ hấp thụ khí nhà kính  
Công nghệ tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng vả khí đốt  
Công nghệ xây dựng xanh  

2. Khung chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

2.1. Khung chính sách cho chuyển đổi số

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Theo đó, chuyển đổi số ở Việt Nam hướng tới 3 trụ cột là: Hạ tầng số; Chính phủ số; Kinh tế số và xã hội số, với những bước đi cụ thể:

– Đối với hạ tầng số định hướng phát triển nhanh, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong thời đại số. Theo đó, hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 600.000 km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao (> 27 MBps). Số thuê bao băng rộng cố định hơn 13 triệu (trong đó hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy nhập hơn 10 MBps). Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1 TBps. Mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7% [2]. Mạng di động 5G đã được cấp phép thử nghiệm, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là nền tảng quan trọng kết nối hạ tầng IoT trong chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và có đường internet cáp quang băng thông rộng chiếm tỷ trọng lớn và gia tăng trong tương lai (Bảng). Như vậy, có thể nói mạng viễn thông đã đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số.

– Đối với Chính phủ số. Trong thời gian qua, công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong cơ quan quản lý nhà nước để phát triển Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính. Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà); hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần). 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia [2].

– Đối với kinh tế số và xã hội số. Theo số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, năm 2015, doanh thu B2C đạt 5 tỷ USD, đến năm 2022, doanh thu đã tăng trưởng lên 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021 và chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt mốc 60 triệu người trong năm 2022, giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng đạt từ 260-285 USD/người. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, theo Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP cao hơn năm 2021 (11,91%) và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với năm 2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100% (Bảng). Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng khá rộng rãi trong xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai trong công tác đào tạo (các bài giảng điện tử; học trực tuyến…), trong quản lý giáo dục (hệ thống thông tin quản lý tuyển sinh, quản lý kết quả học tập học sinh…). Trong lĩnh vực y tế cũng vậy, gần 100% bệnh viện các tuyến trên cả nước triển khai ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong hoạt động của mình.

Bảng 2Chuyển đổi số toàn diện trên một số các chỉ tiêu

Đơn vị: %

Chỉ tiêu 2020 2021 2022 2025
Hạ tầng số
Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh 72 75 85 100
Tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng 58 65 70 100
Chính phủ số
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 30 100 100 100
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ 38 40 80 100
Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến 24 30 50 80
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng 10 100
Tỷ lệ thống kê, báo cáo thực hiện trực tuyến(ước tính) 10 50 100
Tỷ lệ quản lý nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục 5 50 100
Kinh tế số và xã hội số
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP(ước tính) 8,2 9,6 11,5 20
Tỷ lệ doanh nghiệp SMEs sử dụng nền tảng số(ước tính) 3 10 30 50
Tỷ lệ hóa đơn điện tử 24 100 100
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử(ước tính) 30 40 50 80
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử 5,5 6-8 10 20
Tỷ lệ người dân có kỹ năng số cơ bản 10 70
Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử 60 70 90 100
Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân 0,4 0,4 10 50
Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ cơ bản 2 3 10 70
Tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động 1 2

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Năm 2023, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV tiếp tục được hoàn thiện, thể chế hóa, trong đó nhiều chính sách mới như hỗ trợ kinh phí đào tạo, tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, v.v. Đây chính là căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bởi vì, thông qua chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

* Tồn tại, hạn chế

Tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ cũng đã được quan tâm, đã trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển công nghệ ở đây chưa thực sự là chuyển đổi số, còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là:

Một là, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Hai là, các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế, chủ yếu là cát cứ thông tin; điều này làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số.

Ba là, Khi mà chuyển đổi số mạnh mẽ, các chủ thể, đối tượng trong thế giới thực sẽ dịch chuyển sang thế giới ảo, thì việc định danh, xác thực điện tử hay cung cấp danh tính số càng trở nên quan trọng và cấp thiết nhưng so với nhu cầu của chuyển đổi số, vẫn còn nhiều hạn chế.

Bốn là, vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Năm là, sự hạn chế về số lượng, sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ đã khiến cho nhân sự công nghệ thông tin cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh về lương để thu hút nhân tài giữa các doanh nghiệp. Điều này làm cản trở quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế, khi mà yếu tố con người là then chốt và khó có thể thay thế hoàn toàn bởi máy móc, thiết bị.

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Năm 2020, Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế,  kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10% và kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm. Ước tính, hai chuyển đổi số và xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần.

2.2.  Khung chính sách cho chuyển đổi xanh:

Chuyển đổi xanh là xu thế của toàn cầu. Dự báo và nắm bắt xu thế tất yếu này, Bộ Chính trị từng có nhiều nghị quyết quan trọng. Ngay từ cách đây 10 năm là Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cách đây 4 năm là Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều dự án chuyển đổi năng lượng như tăng công suất các nhà máy thủy điện kết hợp điện mặt trời, điện gió, phát triển điện sinh khối, thực hiện trung hòa carbon, chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải khí methane trong 1 triệu ha lúa, phát triển 5.000MW điện mặt trời áp mái. Còn có những giải pháp bảo đảm cân bằng, ổn định của lưới điện quốc gia, sản xuất, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh, các giải pháp lưu trữ điện năng. Điện gió cũng đã, đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành.

Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, DN và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh.

Để tăng cường sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cần tập trung vào việc giải quyết những tồn tại, hạn chế đang có.

* Tồn tại và hạn chế

Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên, một số hạn chế nhất định vẫn còn tồn tại:

Thứ nhất, các văn bản pháp luật về chuyển đổi xanh, nhất là trong việc thực thi chủ trương và chính sách về phát triển chuyển đổi xanh chưa thực sự hiệu quả. Chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh của Việt Nam, đảm bảo việc phát triển chuyển đổi xanh luôn đi cùng với một môi trường xanh và phát triển bền vững

Thứ hai, nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, các giải pháp về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chưa được đồng bộ. Thiếu các quy định phát lý để tạo điều kiện về nguồn lực cho các dự án chuyển đổi số theo hướng chuyển đổi xanh đươc triển khai hiệu quả.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chính là động lực then chốt để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, cũng như tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam với đặc điểm số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông, tỷ trọng nhỏ và siêu nhỏ cao với sự hạn chế về nguồn lực, nhân lực và khả năng chống chịu thấp khi gặp khó khăn, biến động đã hình thành nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh – sự chuyển mình mang tính sống còn của doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Nhận thức điều này nên Chính phủ đã, đang và tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp từ cấp trung ương đến cấp địa phương từ ban hành các văn bản pháp lý, đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia đơn vị chuyển đổi số đến hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Các chính sách này đã mang lại nhiều kết quả khả quan với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp dù chỉ mới triển khai trong một khoảng thời gian không dài từ năm 2021 đến nay (5/2024) và cho thấy đây là một động lực lớn giúp doanh nghiệp có thể thực hiện thành công chuyển đổi số./.

Lê Anh Tú, Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT

You may also like