Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Văn Hóa - Xã Hội Giáo lý nhà Phật lý giải quan niệm về hồn ma

Giáo lý nhà Phật lý giải quan niệm về hồn ma

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Ma là từ xuất hiện rất nhiều trong ý tưởng và trong đời sống thường ngày của con người trên khắp hoàn cầu. Mỗi tôn giáo có lối giải thích khác nhau về ma, trong đó có Phật giáo.

Có bao nhiêu thứ ma?
Trong các tài liệu về Phật giáo, có không ít bài viết để lý giải ma dưới góc độ đạo Phật. Theo đó, chữ ma từ chữ Phạn « Mâra » mà ra, tượng trưng cho những xu hướng tâm thần bấn loạn và lầm lẫn, cản trở con đường tu tập của một hành giả.

Bộ kinh Phổ diệu (Latitavistara) là bộ kinh kể lại cuộc đời của Đức Phật, bộ kinh này cho biết ma đã từng dùng mọi xảo thuật ma quái để quấy nhiễu và cản trở không cho Đức Thích Ca Mâu Ni đạt được giác ngộ. Trong đêm trước khi ngài thành Phật, ma đưa quân đến quấy nhiễu. Phật liền dùng tay phải chạm xuống mặt đất khiến mặt đất liền chấn động và rung chuyển ầm ầm để chứng minh cho sự giác ngộ đích thực của ngài và cũng khiến cho cả đám ma biến mất.

Theo Thừa Kinh điển (Sutrayana) có bốn loại ma (tứ ma) bao gồm: Ma cấu hợp (Skandhamara) là thứ ma quái làm cơ sở cho khổ đau và cái chết mà ta phải gánh chịu trong cõi luân hồi. Ma dục vọng (Klesamara) là những dục vọng, ham muốn, thèm khát, xui khiến ta phạm vào những hành vi tiêu cực, tạo ra nghiệp xấu, thu ngắn kiếp nhân sinh, đưa ta vào vòng khổ đau của cõi luân hồi; Ma thần chết (Mrtyumara) là sự hủy hoại, cứu cánh tất nhiên của sự sinh, hậu quả của bản chất cấu hợp của mọi hiện tượng, tức là quy luật vô thường ; Ma con trời (Devaputramara) là những thứ ma làm cho ta đãng trí, phân tâm, xúi dục ta bám víu vào ảo giác bên ngoài làm cản trở sự tu học.

Còn theo Kim cương thừa (Vajrayana) tứ ma lại được định nghĩa khác hơn bao gồm : Ma xiềng xích đây là con ma của sự bám víu và ghét bỏ đối với những vật thể và hiện tượng chung quanh, con ma này luôn luôn tìm cách trói buộc ta vào những thứ ấy; Ma thả lỏng là ba thứ nọc độc chính và năm thứ nọc độc phụ, tức là những dục vọng chính yếu và thứ yếu, những tư tưởng hay tư duy bấn loạn chưa được khắc phục, xâm chiếm tâm thức ta và gây ra khổ đau cho ta; Ma khánh hỷ là con ma đội lốt hân hoan, vui thích, thỏa mãn với chính mình, xem ta hơn cả mọi người, xúi dục ta bám víu vào những « kết quả » và « kinh nghiệm » thiền định đã thực hiện được và cho đấy là cao siêu, rồi trở nên hãnh diện, không chịu cố gắng tu tập thêm; Ma kiêu căng là con ma ngạo mạn, tự mãn, tự kiêu, tự đại, đấy là bản chất căn bản của con ma mang tên là cái « ta », cái « tôi », cái « ngã ».

Ma ngự trị chính trong đầu của ta

Nhìn vào cách phân loại và tên gọi của các loại ma này có thể thấy, ma không ở đâu xa, mà ở ngay cạnh mỗi người chúng ta. Ma ngự trị chính trong đầu của ta. Ma nằm sẵn trong tâm thức ta, trong da thịt ta, trong sự vận hành của thân xác và tâm trí ta.

Nói cách khác ma không nằm bên ngoài ta, không có ta thì cũng không có ma. Ma chính là sự thèm khát nhục dục, thất vọng, buồn bực, đói khát, bám víu, tham lam, chiếm giữ, lười biếng, đờ đẫn, sợ hãi, nghi ngờ, hận thù, tiện nghi, kiêu căng, tự phụ, yêu thương một cách ích kỷ, tự mãn với cái « tôi » của chính mình…

Để làm rõ hơn về nhận định « ma ngự trị chính trong đầu của ta, không có ta thì cũng không có ma», Đức Phật đã đưa ra một thí dụ dễ hiểu rằng : Khi bước ngang ngưỡng cửa lúc nhá nhem tối, ta thấy một con rắn. Ta hoảng hốt và giật lùi lại. Nhưng nhìn kỹ thì đấy chỉ là một cuộn dây thừng. Con rắn ở trong đầu ta. Con Ma cũng ở trong đầu ta là như vậy. Khi ta ngủ mê, ta thường chiêm bao « thấy ma ». Ta hét lên hay la ú ớ… Giật mình thức dậy, ta không thấy con ma nào cả.

Khi ngủ, ta nhắm mắt, nằm trên giường và trong gian phòng tối om, làm gì ta có thế dùng mắt mà thấy được. Cái thấy ấy là do tâm thức của ta thấy, hình ảnh con ma hiện lên từ tiềm thức ta, sinh khởi từ những xúc cảm bấn loạn và tiềm ẩn trong ta, từ những nghiệp sâu kín của ta, từ những ám ảnh bịnh hoạn của ta, từ những đam mê, tham dục của ta, từ những bám víu vào ảo giác, sân hận của ta…

Cùng quan điểm này, tác phẩm “Thuần hóa tâm hồn” hay “Cẩm nang đạo đức hàng ngày của Phật tử” do Tỳ-kheo ni Thubten Chodron biên soạn và Thượng tọa Thích Minh Thành chuyển ngữ đã chỉ rõ, một số người sau khi chết có thể sinh làm ma quỷ tùy theo những công việc mà những người ấy đã làm trong quá khứ.

Nhiều người rất sợ bị ma quỷ làm hại nhưng ma quỷ chỉ có thể làm hại người nào đã tạo duyên bị hại – có nghĩa là nếu người ấy đã làm hại người khác trong những kiếp quá khứ. Sợ ma quỷ là việc vô ích. Càng lo sợ hoang đường là càng khiến cho ma quỷ đến làm hại mà thôi. Có khi không có ma quỷ thật sự nào cả mà chỉ có một ma quỷ tưởng tượng do tâm ý của một người quá lo sợ tạo nên mà thôi; con ma do người ấy tưởng tượng tạo ra lại làm hại trở lại người ấy.

Khi người nào đó cảm thấy sợ hãi đối với các ma quỷ hay đang bị ma quỷ làm hại thì phương thuốc hữu hiệu nhất là phép quy y và phương pháp tu tập lòng từ ái. Nếu chúng ta hình dung ra linh ảnh của chư Phật, Tôn Pháp và Tăng-già rồi tha thiết khát ngưỡng cầu được quy y thì ma quỷ không thể làm hại chúng ta và nỗi lo sợ sẽ nhanh chóng tan biến.

Người có đức, ma quỷ phải kinh sợ

Đó là câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo. Câu chuyện kể rằng, trong một trận đại bão lụt nọ, Tu Đà Cấp Cô Độc (một đệ tử của Đức Phật, vị trưởng giả giàu có thời Phật còn tại thế) bị nước cuốn trôi đi toàn thể tiền dự trữ gồm mười tám triệu đồng tiền vàng. Rồi những người vay tiền ông tổng cộng đến mười tám triệu đồng tiền vàng khác, cũng quỵt luôn không trả.

Tu Đà Cấp Cô Độc mới ngày nào là một đại triệu phú thì giờ là một người nghèo. Nhưng điều đáng quí là đối diện với nghịch cảnh, ông vẫn tiếp tục làm bổn phận của một người hộ pháp, nuôi dưỡng các tu sĩ. Nếu ngày trước ông đủ điều kiện để dâng cúng những bữa ăn đầy đủ, thì ngày nay ông có món gì, thành kính đem dâng chư món ấy, để cùng nhau thanh tịnh tu tập, sống qua ngày.

Trên đỉnh tháp trên tầng lầu thứ bảy tòa nhà của Tu Đà Cấp Cô Độc có một vị Thọ thần. Nhân dịp, Tu Đà Cấp Cô Độc khánh kiệt, Thọ thần liền hiện đến trước mặt Tu Đà Cấp Cô Độc để khuyên ông không nên tiếp tục bố thí nữa bởi vàng bạc là của quí trên đời, không có nó đời sống sẽ vô cùng cơ cực.

Nhưng nào ngờ Tu Đà Cấp Cô Độc điềm tĩnh trả lời : « Này Thọ thần! Đối với tôi, trên đời quí nhất đó là Phật, đấng thân, khẩu, ý trọn lành, hoàn toàn giải thoát, sống đúng phạm hạnh, diệt tận tham, sân, si phiền não, làm phước điền cho chúng sanh nhân loại, ngoài ra không ưa thích bất cứ vật gì khác! Bây giờ yêu cầu Thọ thần hãy đi chỗ khác, vì trong nhà này không có chỗ để cho một Thọ thần chống lại Phật, Pháp, Tăng ».

Sống trong cảnh không có trú sở nhất định, rày đây mai đó vị Thọ thần bắt đầu xét lại việc mình đã làm và ý thức được ấy là nghiệp xấu nên âm thầm hối hận. Khi Thọ thần đến trước Đế Thích cầu sám hối. Để chuộc tội thì Đế Thích phán rằng: « Này Thọ thần! Bây giờ muốn chuộc tội, người phải làm cách nào để hoàn lại gia sản cho Tu Đà Cấp Cô Độc”.

Vị Thọ thần vô cùng mừng rỡ nhận thi hành lập tức những phán quyết của Đế Thích để phục thiện. Tìm xong kho tàng Thọ thần đem tặng tất cả cho Tu Đà Cấp Cô Độc. Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau, Tu Đà Cấp Cô Độc bỗng tự nhiên giàu có như cũ. Ngoài việc thu hồi số của cải xưa, ông còn được hoạch tài thêm năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng nữa.

Sau đó, Thọ thần hiện ra trước mặt Đức Phật để sám hối, xin ngài tha thứ cho những nghiệp ác mà y đã tối tăm phạm phải. Đức Phật đã giảng cho Thọ thần hiểu rằng: “Một bậc đại hạnh khi đã dùng pháp bố thí để trở thành hoàn toàn giải thoát, thì không có sức mạnh nào trên thế gian này có thể ngăn cản họ được, dù cho sức mạnh ngăn cản đó phát xuất từ vua chúa, phát xuất từ hiền thần hay hung thần, phát xuất từ ác tiên hay thiện tiên, và ngay cả phát xuất từ thần chết”.

Linh Thụy – Báo pháp luật

You may also like