Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Văn Hóa - Xã Hội Phát hiện khảo cổ có thể viết lại lịch sử văn minh nhân loại

Phát hiện khảo cổ có thể viết lại lịch sử văn minh nhân loại

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Nghiên cứu gợi ý rằng cuốn lịch được phát hiện tại di chỉ Gobekli Tepe (Thổ Nhĩ Kỳ) có niên đại khoảng 10.850 năm TCN.
Một phát hiện khảo cổ mới ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ gợi ý rằng con người đã xây dựng được một cuốn lịch tương đối chính xác cách đây gần 13.000 năm, tờ The New York Times ngày 10-8 đưa tin.

Nhà nghiên cứu Martin Sweatman thuộc Đại học Edinburgh (Anh) tháng trước đã công bố một báo cáo khoa học về một phát hiện khảo cổ ở di chỉ Gobekli Tepe (tỉnh Sanliurfa, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) mà ông cho là cuốn lịch sớm nhất của các nền văn minh nhân loại.
Ông Sweatman phát hiện những biểu tượng hình chữ V trên một trụ đá tại di chỉ Gobekli Tepe có thể tương trưng cho các ngày. Theo đó, cuốn lịch được khắc trên trụ đá gồm 365 ngày, bao gồm 12 tháng âm theo lịch mặt trăng, cùng với 11 ngày bổ sung. Các biểu tượng chạm khắc trên cho thấy “người xưa có thể ghi lại quan sát của họ về mặt trời, mặt trăng và các chòm sao dưới dạng một cuốn lịch được tạo ra để theo dõi thời gian và đánh dấu sự thay đổi của các mùa”, ông Sweatman nói.

Ngoài ra, trên trụ đá còn có các biểu tượng đại diện cho một chòm sao, trong khi một số biểu tượng khác được phát hiện trong di chỉ Gobekli Tepe có thể đại diện cho các vị thần. Chỉ mới có một phần di chỉ Gobekli Tepe được khai quật. Nhờ phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon, một khu vực rộng khoảng 30 m được cho là đã tồn tại từ khoảng 9.530 năm TCN, theo trang tin Sci.news. Điều này có nghĩa là khu vực khảo cổ này là tàn tích của những công trình nhân tạo lâu đời nhất từng được tìm thấy. Chúng đã được xây dựng trước quần thể tượng đài cự thạch Stonehenge (Anh) tới 6 thiên niên kỷ.

Nhà nghiên cứu Sweatman lưu ý rằng, niên đại của khu vực tương ứng với giai đoạn nằm giữa thời đại đồ đá cũ và đồ đá mới, khi khí hậu ở bán cầu Bắc tăng vọt sau hơn 1.200 năm “gần như băng hà” của thời kỳ Younger Dryas. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định giai đoạn con người sinh sống tại Gobekli Tepe, song ông Sweatman suy đoán di chỉ này có niên đại gần với thời kỳ Younger Dryas cách đây 13.000 năm (khoảng 10.850 năm TCN).

Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu cho rằng cuốn lịch trên trụ đá tại Gobekli Tepe có thể trở thành cuốn lịch sớm nhất của lịch sử văn minh nhân loại, sớm hơn khoảng 10.000 năm so với những ghi chép về thời gian (khoảng 150 năm TCN) đã được phát hiện tại Hy Lạp. Ông Sweatman tin rằng phát hiện này có thể viết lại dòng thời gian về các nền văn minh của loài người.

Đây không phải lần đầu tiên nhà nghiên cứu Swaetman công bố những phát hiện khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, The New York Times lưu ý rằng vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh các nghiên cứu này, cũng như liên quan tới các mốc thời gian của thời kỳ Younger Dryas.

plo .vn

You may also like