Một ngày trôi qua mà không tiếp thu, tích lũy được điều gì mới, có ích thì đó là một ngày lãng phí.
Trong môi trường doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, như tôi quan sát, có nhiều bạn trẻ bằng lòng với công việc mình đang làm. Các bạn thờ ơ với sách vở, xem việc có tấm bằng đại học là đủ. Nhiều bạn chỉ thích lang thang trên mạng và trôi vô định trong dòng đời. Nhiều bạn đang chọn cuộc sống làng nhàng, không có nhu cầu tự học hay tự hoàn thiện bản thân. Cho nên, khi chia sẻ với những bạn trẻ, tôi cho rằng điều đầu tiên cần phải xác định, học hỏi là một nhu cầu của bản thân để có thể giỏi hơn, hoàn thiện mình hơn.
Cơ hội đến từ học tập
Việc tích cực học hỏi có thể chưa mang lại ngay vị trí tốt hơn trong công việc. Nhưng chắc chắn với tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ làm tốt hơn công việc được giao và giúp ích những người xung quanh. Và nhờ vậy sẽ có nhiều cơ hội tốt mở ra cho bạn.
Hiện nay, Internet, sách vở là nguồn kiến thức vô tận. Tôi biết rất nhiều người thành đạt, giàu có và lớn tuổi hơn tôi nhưng vẫn không ngừng học hỏi.
Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, rút ra kết luận: “Càng học hỏi nhiều, càng kiếm được nhiều tiền”.
Ông dành khoảng 80% thời gian hằng ngày để đọc sách và báo cáo. Buffett tin rằng việc đọc không chỉ giúp ông mở rộng kiến thức mà còn giúp ông duy trì tư duy linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với thay đổi của thị trường.
Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, cũng là một người yêu sách. Gates thường xuyên chia sẻ những cuốn sách yêu thích của mình trên blog cá nhân. Ông coi việc đọc là phương tiện quan trọng để học hỏi và phát triển bản thân.
Buffett và Gates chỉ là hai trong số nhiều ví dụ về giá trị của việc học hỏi suốt đời. Điều quan trọng là họ không chỉ học từ sách vở mà còn từ cuộc sống, từ những thất bại trong sự nghiệp của mình.
Vì vậy, trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động và thay đổi như hiện nay, việc không ngừng học hỏi không chỉ giúp cho các bạn trẻ theo kịp xu hướng, tích lũy kiến thức mà còn giúp họ phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi.
Henry Ford – doanh nhân, nhà sáng lập Ford Motor
Đừng để học hỏi dừng lại chỉ vì bạn đã ra trường.
Các cách thúc đẩy quá trình học hỏi suốt đời
1. Đặt mục tiêu học tập:
Xác định rõ ràng những gì bạn muốn đạt được và lập kế hoạch học tập. Mục tiêu giúp bạn tập trung và đánh giá sự tiến bộ.
2. Đọc sách:
Dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để đọc sách. Sách là người thầy giá thấp, hữu ích và tiện dụng nhất.
3. Tận dụng công nghệ và các platform học tập:
Sử dụng các ứng dụng và trang web học tập như Coursera, Udemy… để mở rộng kiến thức. Có nhiều khóa học trực tuyến miễn phí hoặc giá rẻ giúp bạn học hỏi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
4. Tham gia cộng đồng học tập:
Tìm kiếm những nhóm hoặc cộng đồng có cùng sở thích học tập. Học hỏi từ người khác và sẵn sàng chia sẻ kiến thức của bạn.
5. Học những điều mới:
Đừng ngần ngại thử sức với những lĩnh vực mới. Học một ngôn ngữ mới, kỹ năng lập trình, hoặc thậm chí là nấu ăn. Mỗi kỹ năng mới mở ra một thế giới mới.
6. Thực hành tư duy phản biện:
Đặt câu hỏi và không ngừng tìm kiếm câu trả lời. Tư duy phản biện giúp bạn phát triển khả năng đánh giá và giải quyết vấn đề.
7. Tìm thầy hướng dẫn (mentor):
Người thầy có kinh nghiệm có thể giúp bạn đi đúng hướng và tránh những sai lầm, tổn thất không cần thiết.
8. Cuối cùng và hết sức quan trọng: Học phải hành – ứng dụng kiến thức vào thực tế:
Hãy áp dụng những gì bạn học vào công việc và cuộc sống. Kiến thức trở nên có giá trị và trở thành tài sản của bạn khi được sử dụng thường xuyên.
Với sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường công việc hiện nay, việc luôn cập nhật kiến thức mới, học hỏi từ kinh nghiệm của người khác và không ngừng phát triển bản thân là yếu tố quyết định sự thành công của người trẻ.
Nguồn: Nguyễn Tuấn Quỳnh – Đăng trên Báo Tuổi trẻ