Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Văn Hóa - Xã Hội Hành trình khám phá văn hóa Xứ Mường ở Thung Mây – Hòa Bình

Hành trình khám phá văn hóa Xứ Mường ở Thung Mây – Hòa Bình

bởi Doanh Nhân Giao Thương
Người Mường tự xa xưa vẫn truyền nhau: “Nhất bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Đó là bốn Mường nổi tiếng nhất của xứ Mường Hòa Bình. Nổi tiếng cả về văn hóa, kinh tế, sự phì nhiêu cũng như sự hà khắc của các quan lang thổ ti đất đó. Tính về địa giới hành chính, Mường Chậm Lũng Vân chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi.
Chúng tôi những sinh viên khoa Việt Nam học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ chẳng bao giờ quên được chuyến hành trình khám phá Thung Mây-Lũng Vân cùng người Thầy vô cùng đáng kính, đó là PGS. TS Bùi Xuân Đính. Thầy tôi là chuyên gia về làng Việt, hay rộng hơn là Việt học, kế tiếp các tên tuổi lớn nghiên cứu về lĩnh vực này như PGS. Nguyễn Từ Chi, GS. Phan Đại Doãn. Trong chuyến đi đó, chúng tôi may mắn được Thầy hướng dẫn, Thầy đi tiền trạm và khảo sát trước, được ăn ở cùng nhà người dân ở Xóm Bò, xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình để khám phá và tìm hiểu về văn hoá Xứ Mường.
Đoàn chúng tôi gồm hai xe 45 chỗ nối đuôi nhau vượt qua những con dốc dài, quanh co cứ thế nối tiếp nhau lên đến tận đỉnh núi. Đi mất nửa ngày đường, Chúng tôi đã đặt chân được đến Lũng Vân hay còn gọi là Thung Mây. Đúng như tên gọi. Khiến chúng tôi ồ lên sung sướng vì trước mặt là cả đám mây trắng ôm ấp lấy những tảng đá vôi nhấp nhô, chốc chốc lại theo gió bay lướt vào người khiến chúng tôi cứ ngỡ đây là chốn tiên cảnh vậy.

Toàn cảnh Thung Mây – Lũng Vân – Tân Lạc – Hòa Bình

Sau khi về ổn định chỗ ở theo từng nhóm, chúng tôi phải quay lại nhà văn hoá Xóm Bò để bắt đầu buổi gặp gỡ với Bác Chủ tịch xã, Bác Trưởng Thôn và các cụ cao niên trong bản để tìm hiểu về Văn hoá xứ Mường Bi. Tôi vẫn nhớ Thầy tôi nói: “Người Mường tự xa xưa vẫn truyền nhau: “Nhất bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Đó là bốn Mường nổi tiếng nhất của xứ Mường Hòa Bình. Nổi tiếng cả về văn hóa, kinh tế, sự phì nhiêu cũng như sự hà khắc của các quan lang thổ ti đất đó. Tính về địa giới hành chính, Mường Chậm Lũng Vân chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi.
1. Nguồn gốc Xứ Mường Bi
Tiếp lời Thầy tôi, các Cụ cao niên trong bản kể rằng: Tự thủa hồng hoang, trong truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường ở Hòa Bình có nhắc: xưa Lũng Vân là nơi có những bản làng đang sinh sống yên bình. Một cơn hồng thuỷ ập đến bất thần trong đêm tối đã cuốn trôi hết tất thảy nhà cửa, bản làng, người dân, trâu bò và nhấn chìm cả rừng núi. Có đôi vợ chồng nhà nọ bám được một chiếc bè luồng rồi vướng vào cây Bi – một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên qua chín sông mười núi nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thuỷ. Cơn hồng thuỷ rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang sơ. Không còn đường về, họ dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để ở và sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) để lấy nước, thuần phục thú rừng thành vật nuôi, lập nên mường bản. Nhớ ơn cây cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc. Lũng Vân là vùng đất nơi cây Bi mọc trong truyền thuyết và cũng là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.
2. Lũng Vân được ví như “Thung lũng trường thọ”.
Sau buổi sinh hoạt tập thể tại nhà văn hoá Xóm Bò, chúng tôi đi khắp “Thung lũng trường thọ”, trò chuyện với các già làng, gặp ai chúng tôi cũng đặt câu hỏi: Con thưa cụ! Cụ cho con hỏi bí quyết trường thọ của người dân Thung Mây ở đây là gì vậy Cụ? Chúng tôi đều nhận được những nụ cười hiền hậu, mộc mạc và nói không có bí quyết gì cả, chỉ là “dậy sớm cùng ông mặt trời rồi đi làm nương, làm rẫy thôi.”
Lũng Vân là sự hòa hợp của ba con suối lớn: Suối Hượp, suối Trong và Suối Miêu. Người trong bản bao đời dùng nước đó sinh hoạt, tất cả đều từ núi, từ rừng. Điều đặc biệt, người Lũng vân không bao giờ ăn gan động vật. Trà uống hàng ngày của người Lũng Vân đều là các vị thuốc được lấy trong rừng về phơi khô rồi đun lên. Loại nước này được người Lũng Vân dùng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè uống sẽ hạ nhiệt nhanh chóng, cảm giác mát lạnh, mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt trước cái lạnh khiến nước đóng băng (nhiệt độ của Lũng Vân luôn thấp hơn nhiệt độ vùng khác 7 độ C). Cuộc sống biệt lập với bên ngoài, gần như théo lối “tự cung tự cấp” nên không khí rất trong lành và thức ăn đảm bảo sạch 100%.

Hình ảnh tìm hiểu văn hóa Xứ Mường cùng PGS. TS Bùi Xuân Đính.

Đến nhà cụ Hà Thị Ni. Cụ thọ 100 tuổi trong bản có mời chúng tôi uống một loại nước rất đặc biệt. Lúc mới uống hơi chát ở đầu lưỡi. Uống vào đến cổ thấy ngọt và vào trong cơ thể thì sảng khoái vô cùng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đó là Nước cây khúc khắc. Cụ Hà Thị Ni nói: “Từ xa xưa, dù giàu hay nghèo, trong nhà ai ở đây cũng phải có loại nước uống này. Không chỉ là thức uống hàng ngày, mỗi lần đi làm nương rẫy hay lên rừng, mọi người đều mang theo loại nước này. Khi đói và mệt, uống vào là thấy khỏe hẳn. Có thể coi đây là thức uống truyền thống của dân bản Cụ đó.”
Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng thần kỳ của nước uống này nhưng chúng tôi đều tin rằng nếu được sống ở nơi không khí trong lành, nguồn thức ăn vô cùng sạch và uống nước lá cây ăn khoẻ ngủ khỏe này thì ai cũng trường thọ mà thôi.
3. Tìm hiểu văn hóa Xứ Mường ở Lũng Vân
Những ngày tiếp theo chúng tôi cùng nhau tìm hiểu văn hóa Mường ở Lũng Vân. Dường như văn hoá
ở đây được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ những mái nhà sàn dốc hình con rùa với đức tin con rùa tượng trưng cho sự vững chãi đến những bộ váy của người phụ nữ Mường. Chúng tôi được mặc những chiếc váy truyền thống màu đen, áo trắng, đầu váy trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật. Khi lên nương, để phù hợp với lao động, váy có ngắn hơn song những đường nét tinh tế trong trang trí vẫn được lưu giữ.

Hình ảnh Cô gái Xứ Mường ở Lũng Vân

                              
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Lễ hội văn hóa xứ Mường Bi là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh phản ánh hiện thực xã hội Mường cổ, tiêu biểu như Nạ Mụ, Nhóm lửa, Xuống đồng, Rửa lá lúa, đặc biệt là hai lễ hội lớn: Khai hạ, Cơm mới. Bên cạnh đó, người dân Lũng Vân với sự chân chất vốn có từ trong nếp ăn ở tới lối suy nghĩ hay niềm tin thờ tự.
4. Khám phá chợ phiên Lũng Vân
Chợ Lũng Vân nằm ngay gần UBND xã Lũng Vân. Chúng tôi may mắn đến đây vào thứ 3 nên có cơ hội khám phá nét đặc trưng của phiên chợ vùng cao nơi đây. Chợ chỉ họp một buổi duy nhất vào thứ 3 trong tuần nên thu hút đông đảo người dân của 5 xã vùng cao của huyện Tân Lạc và một số vùng lân cận đến thăm quan, mua bán và trao đổi hàng hóa chủ yếu là nhu yếu phẩm các loại, bao gồm: gạo, mì tôm, mì chính, nước mắm… Ngoài ra còn bán Đồ dùng, đồ trang trí trang phục của người Mường, rau su su đặc sản, lợn bản, gà đồi và hoa quả theo mùa của địa phương.
Các món ăn đặc sản hấp dẫn tại Lũng Vân là thịt lợn muối chua, thịt trâu lá lồm, măng đắng nướng, cá nướng sông đà, chả cuốn lá bưởi…

Hình ảnh Chợ phiên Lũng Vân

5. Cung đường khám phá Lũng Vân
Từ trung tâm Hà Nội di chuyển tới Lũng Vân mất khoảng 120km và cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40km. Các bạn có thể di chuyển theo cung đường sau:
+ Từ điểm xuất phát là thành phố Hòa Bình di chuyển theo hướng Mai Châu, Mộc Châu đến thị trấn Mường Khê.
+ Qua thị trấn Mường Khê, tiếp tục di chuyển về hướng Lũng Vân, Dịch Giáo.
+ Tới dịch Giáo, di chuyển theo hướng Dốc Mùn, vượt qua Dốc Mùn bạn sẽ đến đình Lũng Vân.

Hình ảnh chuyến đi khám phá Thung Mây- Lũng Vân

Thời gian trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã kết thúc hành trình khám phá Lũng Vân và phải trở về Hà Nội. Chào tạm biệt Xóm Bò thân yêu, tạm biệt nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến của cụ già và trẻ nhỏ luôn dành cho chúng tôi như những đứa con của xóm Bò quen thuộc. Chúng tôi sẽ rất nhớ mó nước trong vắt, nước lạnh ngắt tranh nhau tắm mỗi chiều, nhớ chợ phiên ồn ào náo nhiệt với bao món ngon, nhớ những con dốc quanh co mỗi ngày đi từ nhà này sang nhà kia đến mỏi cả chân. Sẽ chẳng ai quên vào mỗi buổi sáng, Thầy tôi thường dậy khi trời còn mờ sương, đi từng nhà gọi chúng tôi dậy. Chỉ cần nghe tiếng Thầy từ trên đầu ngõ là cả bọn đang ngủ say đều bật dậy thật nhanh được. Đứa cầm cái bật lửa nhóm bếp, đứa cầm nồi, thằng cầm chổi để dọn dẹp nhà cửa giúp nhà bác chủ nhà nếu không Thầy sẽ trừ điểm bài thu hoạch.
Ngày chúng tôi rời đi Lũng Vân vẫn bình yên lắm! Nhưng hôm nay nơi đây đã nhiều thay đổi. Đời sống mọi người đã khá hơn, nhiều người đã biết làm homestay cho khách đi phượt săn mây ở Lũng Vân nhưng sự mộc mạc và hiếu khách thì vẫn thế! Mong sớm được quay trở lại “Thung lũng trường thọ” đầy kỷ niệm này.
Tác giả: FB Huyền Nguyễn – Khanh Thi Travel

You may also like