Trang Chủ Tin Tức Tổng HợpBản Tin Công Nghệ 5 gợi mở tạo đột phá trong chuyển đổi số ở Thừa Thiên – Huế

5 gợi mở tạo đột phá trong chuyển đổi số ở Thừa Thiên – Huế

bởi Doanh Nhân Giao Thương

Thừa Thiên – Huế không phải tỉnh đầu tiên trong cả nước lựa chọn và công bố ngày chuyển đổi số.

Quyết tâm của người đứng đầu và tư duy đột phá…

Tuần lễ Chuyển đổi số – Huế 2021 với chủ đề “Cơ hội và thách thức” diễn ra từ ngày 27- 30/4 là sự kiện nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 36 tỉnh, thành trên cả nước và các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin…

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Tuần lễ Chuyển đổi số – Huế 2021 chính là sự đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam do tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Tin học TP.HCM tổ chức.

Đây là chuỗi sự kiện quan trọng, gồm các hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn… tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của tỉnh, hướng đến thúc đẩy hợp tác, đầu tư các ngành, các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và có ý nghĩa đối với khu vực và cả nước.

Đồng thời là dịp để các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng tâm năm 2021…

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá cao việc tổ chức sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số này – sự kiện thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế và tư duy đột phá trong triển khai chuyển đổi số.

“Thừa Thiên Huế không phải là tỉnh đầu tiên trên cả nước lựa chọn và công bố ngày chuyển đổi số, nhưng là địa phương đầu tiên tổ chức sự kiện Tuần lễ về chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

5 gợi mở chuyển đổi số Thừa Thiên Huế

Cũng tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng giới thiệu một số định hướng lớn trong việc phát triển ngành TT&TT trong giai đoạn tới.

“Ở cấp độ địa phương, Thừa Thiên Huế nên coi mình là một “quốc gia” thu nhỏ để vận dụng và triển khai các chiến lược phù hợp, đặt ra mục tiêu phù hợp và cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương”, ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Thứ hai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hãy lựa chọn một số mục tiêu đột phá năm 2021 để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện. Cụ thể, cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển dịch vụ điện tử trong năm 2021, với chỉ tiêu đặc trưng nhất là tỷ lệ cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

“Năm 2021 Thừa Thiên Huế hãy đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 đi kèm với đó là đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ lên 50% và tỷ lệ hồ sơ xử lý an toàn trực tuyến lên trên 50%.

Đây là những mục tiêu hết sức thách thức nhưng nếu triển khai được sẽ đi đôi với hoàn thành chỉ tiêu cơ bản nhất của dịch vụ công điện tử và đi kèm theo đó là hiệu quả sử dụng”, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ thêm.

Thứ ba, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải xác định mục tiêu trung hạn đến năm 2025 tập trung vào một số đột phá như triển khai danh tính số, y tế số, giáo dục số và du lịch số.

Thứ tư, duy trì sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số hàng năm công bố những bài toán đặc thù của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giải quyết và nếu có thể có giải thưởng mang tính ghi nhận một cách đột phá.

Thứ năm, đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến của những sự kiện công nghệ lớn của quốc gia và thế giới – cũng hướng tới “mục tiêu kép” vừa phát triển du lịch, vừa phát triển công nghệ số và trở thành hình mẫu để chuyển đổi số trong các địa phương.

Báo Giao Thông

You may also like